Ký ức Trung thu xưa qua tranh của các danh họa

ANTD.VN - Nếu ai đó muốn tìm lại không khí Trung thu của Hà Nội xưa, không gì dễ hơn là xem tranh của các họa sỹ nổi tiếng. Với các họa sỹ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm, sắc màu Trung thu trong tranh không chỉ là sự ghi chép mà còn là hiện thân cho những khao khát cá nhân…

Ký ức Trung thu xưa qua tranh của các danh họa ảnh 1Tác phẩm vẽ về Trung thu của danh họa Bùi Xuân Phái năm 1977

Những bức tranh tái tạo âm thanh

Có nhiều họa sỹ vẽ về Trung thu của Hà Nội xưa nhưng nổi bật và ấn tượng hơn cả cho đến bây giờ vẫn là tranh của Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm. Dù việc miêu tả âm thanh nằm ngoài khả năng của hội họa nhưng Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm đều đạt tới trình độ bậc thầy trong việc tái tạo âm thanh. Rộn ràng, náo nức và sống động, người xem tranh có thể cảm nhận rất rõ tiếng trống múa lân, tiếng cười nói của trẻ nhỏ.

Điều đặc biệt hơn, có thể do Thủ đô khi ấy không đủ điện (khoảng những năm 1960) nên cả Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm đều rất tôn trọng ánh sáng tự nhiên trong tranh, tức là thứ ánh sáng dìu dịu của mặt trăng. Và trong ánh sáng ấy, ánh sáng tỏa ra từ những chiếc đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân có sức hút vô cùng lớn với trẻ em tại đêm rằm.

Mỗi dịp Rằm tháng Tám đến, những con phố nhỏ của Hà Nội như bừng sáng trong ánh đèn của đồ chơi Trung thu. Điều đó tạo thị giác rất mạnh và truyền cảm hứng đến họa sỹ. Ngoài cảm xúc, loạt tranh này đã thể hiện tinh thần tìm tòi, sáng tạo và lao động nghiêm túc của hai họa sĩ.

Được xem như “ông vua không ngai” của hội họa Việt, Nguyễn Tư Nghiêm khi vẽ về đề tài Trung thu đã đưa các mô típ trong vốn cổ đạt đến độ nhuần nhuyễn trong tác phẩm. Dù ở một đề tài được xem như rất khó để sử dụng các hình ảnh chạm khắc của đình làng nhưng một lần nữa, ông đã cho thấy một tài năng xuất chúng, ít ai sánh kịp. Trong khi ấy, gia sản hội họa của danh họa Bùi Xuân Phái ở đề tài này cũng đến vài trăm bức. Mỗi bức lại được ông thể hiện theo một cách khác nhau, một sáng tạo lạ hơn và ai cũng cảm thấy niềm vui rất rộn ràng của người họa sỹ này. Bức nào Bùi Xuân Phái cũng sử dụng những gam màu rất rực rỡ, nhưng nhìn tổng thể thì hài hòa, vui tươi. 

Ký ức Trung thu xưa qua tranh của các danh họa ảnh 2Tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 1964 nằm trong bộ sưu tập của ông Bổng “Hàng Buồm”

Hiện thân của khao khát cá nhân

Ở thời điểm vẽ chủ đề Trung thu, Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm đều đang ở giai đoạn sung sức trong nghệ thuật nhưng cũng không còn trẻ. Vì vậy, việc cầm bút vẽ đề tài này, bên cạnh tấm lòng dành cho trẻ nhỏ, hai danh họa còn có sự thôi thúc từ những khát khao cá nhân. Nếu như Bùi Xuân Phái có một gia đình êm ấm với 5 đứa con thì Nguyễn Tư Nghiêm lại lựa chọn cuộc sống độc thân để toàn tâm toàn ý cho hội họa. Ông sống khép kín, thích sự cô độc, dù vậy, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn khao khát không khí gia đình đầm ấm. 

Vào một dịp Trung thu đã lâu, Nguyễn Tư Nghiêm tới chơi nhà của nhà sưu tập Phạm Văn Bổng ở 93 Hàng Buồm đúng vào ngày rằm, để tận hưởng không khí phá cỗ, trông trăng. Lũ trẻ nghịch ngợm, chơi đùa không ngừng trong diện tích chật hẹp (20m2) nên chỉ đến 8h tối, Nguyễn Tư Nghiêm đã ra về vì không chịu nổi sự ầm ĩ. Dù thích trẻ con nhưng bản tính của ông đã không cho phép sự ồn ào làm ảnh hưởng tới khả năng sáng tác. Dẫu vậy, được vẽ bằng khát khao cá nhân nên tranh Trung thu của Nguyễn Tư Nghiêm có sắc độ của thời gian, trầm lắng nhưng tinh tế, càng nhìn càng thấy hay.

Trong khi ấy, Bùi Xuân Phái đã vẽ tranh Trung thu để dành tặng đàn con của mình. Trong những năm tháng chiến tranh, các con của ông đã đi sơ tán về vùng Vân Canh-Hoài Đức. Gia đình chia ly mà phố phường lại rộn ràng, cảm hứng đó đã giúp ông tạo nên các bức tranh bột màu tươi tắn và rực rỡ màu sắc.

Bao tình cảm với con ông dành trọn vẹn trong tranh và Bùi Xuân Phái luôn mong gia đình sẽ sớm đoàn tụ. Vì vậy, tranh Trung thu của Bùi Xuân Phái còn là những tác phẩm đại diện cho tâm hồn Việt một thời Hà Nội đạn bom, yêu cái đẹp và hướng về những điều tốt đẹp. Dù sắc độ trong tranh Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm trái hẳn nhau nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng, qua các tác phẩm hội họa này, khán giả đã được sống lại trong không khí Trung thu xưa của Hà Nội, êm ả, bình yên và giàu màu sắc.