Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma

ANTĐ - “Từ Cô Lin, chúng tôi nghe rõ những tiếng lục bục từ phía Gạc Ma vọng lại. HQ 604 bị vây bởi 3 tàu Trung Quốc và liên tiếp trúng đạn pháo khiến nó bị nghiêng sang một bên. Ít phút sau, chính HQ 505 cũng trúng đạn, tàu có nguy cơ chìm. Tình huống này buộc tôi phải mở hết tốc lực lao lên rạn san hô, biến con tàu thành một chiến lũy thép để giữ đảo…” - Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505 nhớ lại những giây phút bi tráng của buổi sáng 14-3-1988.

Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma ảnh 1

Tàu HQ 505  (Ảnh tư liệu)

Trận chiến không cân sức

Di chứng của đợt tai biến từ năm ngoái khiến Đại tá Vũ Huy Lễ đã yếu đi nhiều. Tuy thế, mỗi lần nhắc lại những câu chuyện về trận chiến từ 30 năm trước, ông vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ. Với ông, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp mà năm nào thủy thủ đoàn của tàu HQ 505 cũng cùng nhau ôn lại. Ông bảo: “Trong suốt những năm sau đó, chưa bao giờ chúng tôi quên những đồng đội đã ngã xuống tại Gạc Ma. Và đến tận bây giờ, ký ức về trận chiến đấu bảo vệ đảo vẫn là nỗi day dứt khi nhiều liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt”.

Cuối năm 1987, tình hình ngoài vùng biển Trường Sa trở nên căng thẳng khi Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến ra hoạt động tại đây. Trước Tết nguyên đán 1988 đúng 1 tuần, tàu HQ 505 nhận lệnh vận chuyển vật tư ra đảo Trường Sa, sau đó là đảo Đá Lớn để xây dựng.

Ngày 12-3-1988, HQ 505 được giao nhiệm vụ tiếp tục chuyển các thiết bị và công binh ra xây dựng trên đảo Cô Lin cùng với HQ 604 (xây dựng đảo Gạc Ma) và HQ 605 (xây dựng đảo Len Đao). Đây là 3 hòn đảo nằm trong nhóm đảo Sinh Tồn, thuộc cụm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy thế, chuyến đi ấy cả 3 con tàu đều nhận thấy nhiều bất thường khi các tàu chiến Trung Quốc liên tục xuất hiện.

Đại tá Lễ nhớ lại: “Tàu của tôi bị các tàu chiến của Trung Quốc theo rất sát. Họ liên tục có những động thái khiêu khích như cho tàu chạy cắt mũi một cách nguy hiểm hoặc thường xuyên thả trôi phía trước nhằm mục đích buộc chúng tôi phải chuyển hướng. Rất vất vả để không bị va chạm, đồng thời cũng không muốn làm căng thẳng thêm tình hình, tôi chỉ huy anh em chủ động vòng tránh và đến chập tối 13-3-1988, HQ 505 đã có mặt tại đảo Cô Lin”.

Theo kế hoạch, sáng 14-3 các tàu của Việt Nam sẽ vận chuyển vật liệu lên đảo để tiến hành xây dựng, gia cố các công trình. Tuy nhiên, những diễn biến căng thẳng xảy ra trên biển khiến đêm ấy cả tàu gần như thức trắng.

“Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống bị tàu Trung Quốc tấn công và tính toán các phương án đối phó. Tuy nhiên, các tàu của ta khi ấy đều là tàu vận tải và không có hỏa lực để đáp trả. Mặt khác, có lẽ đã có dã tâm từ trước nên phía Trung Quốc đã chủ động gây nhiễu, phá sóng liên lạc của chúng tôi về sở chỉ huy. Mọi liên lạc vô tuyến của con tàu gần như tê liệt. Tôi quyết định bám sát tình hình, tùy cơ ứng biến và cho anh em vẫn tiến hành nhiệm vụ như bình thường”.

Rạng sáng 14-3, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lên đài chỉ huy quan sát và nhận thấy những phỏng đoán của mình là chính xác. Từ Cô Lin, ông có thể thấy rõ 2 tàu pháo và 1 tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc đang vây quanh có những thái độ hết sức thù địch với tàu HQ 604 đang thả neo bên đảo Gạc Ma. Thế rồi, những tiếng lục bục của pháo hạm liên tiếp từ xa vọng tới, HQ 604 bốc lên những cột khói đen dày đặc và từ từ nghiêng dần…

“Tim tôi như thắt lại, HQ 604 không được vũ trang để chống tàu mặt nước, trong khi đó những họng pháo 88 ly và 100 ly của Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn vào chính giữa con tàu. Đúng lúc ấy, chiếc HQ 505 của tôi cũng rùng mình bởi những tiếng nổ choáng tai ở phía lái. Ở khoảng cách 2-3 hải lý, tàu Trung Quốc bắt đầu xoay nòng đại bác khai hỏa về phía chúng tôi”.

Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma ảnh 2

Đại tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ 505 kể lại những kỷ niệm về trận hải chiến Gạc Ma năm 1988

Quyết định lịch sử

Những phát đạn của Trung Quốc khiến động cơ của HQ 505 tê liệt. Gặp gió mùa thổi mạnh, con tàu bắt đầu trôi dạt ra phía biển. Tình hình càng nguy cấp hơn khi trên boong và hầm tàu lửa khói bốc ngùn ngụt, còn ở dưới mạn, nước ồ ạt tràn vào theo các vết đạn phá. Trong khi đó, pháo từ tàu Trung Quốc vẫn không ngừng bắn sang, nguy cơ tàu chìm thấy rõ.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lập tức chỉ đạo thủy thủ sửa gấp máy tàu bằng mọi giá, ông nói: “Nếu tàu chìm, chúng tôi có thể hy sinh đã đành, nhưng như thế cũng có nghĩa là đảo sẽ mất. Giữ Cô Lin là nhiệm vụ tối thượng mà chúng tôi phải hoàn thành. Rất may sau đó, thủy thủ đã khắc phục xong sự cố, nhưng một bất ngờ nữa lại diễn ra, bánh lái con tàu đã không còn điều khiển được”.

HQ 505 có hai chân vịt, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ buộc phải cho 1 máy tiến, 1 máy lùi để xoay con tàu. Sau khi mũi tàu đã hướng về đảo Cô Lin, ông hạ lệnh cho các chiến sỹ chuẩn bị vũ khí cá nhân sẵn sàng chiến đấu, đồng thời mở hết tốc lực lao về phía trước. Những tiếng động ghê rợn vang lên khi đáy tàu chạm phải đá ngầm...

Ký ức bi tráng trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma ảnh 3

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người đứng giữa, hàng đầu) cùng thủy thủ trên con tàu năm xưa (Ảnh tư liệu)

Cú tăng tốc tối đa đã đưa 2/3 thân tàu lao lên bãi san hô và mắc cạn tại đó, án ngữ luôn lối vào duy nhất của hòn đảo. Con tàu mình đầy thương tích bây giờ là một chiến lũy bằng thép khổng lồ với hàng chục khẩu súng AK sẵn sàng chống lại bất cứ cuộc đổ bộ trái phép nào. Và lá cờ đỏ sao vàng trên đài chỉ huy vẫn tung bay trong gió.

Trước tình huống bất ngờ này, tàu Trung Quốc bắn thêm vài phát đại bác về phía HQ 505 rồi rút ra xa. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho thủy thủ vận chuyển trang thiết bị, vũ khí lên đảo, đồng thời hủy những tài liệu quan trọng của con tàu. Một tổ khác bắt đầu hạ xuồng cứu sinh bơi sang đảo Gạc Ma để tìm kiếm những thủy thủ sống sót của tàu HQ 604.

Đến cuối ngày, xuồng cứu sinh đã vớt được tổng cộng 44 người gồm cả chiến sỹ và những thủy thủ đã hy sinh của tàu HQ 604. Đêm hôm đó, tất cả các chiến sỹ của tàu HQ 505 lại thức trắng để sẵn sàng chiến đấu. Ngày hôm sau, khi mọi liên lạc với sở chỉ huy đã trở lại bình thường, HQ 505 nhận được sự tiếp cứu từ đất liền.

Tất cả những thương binh, tử sỹ được đưa vào bờ, nhưng riêng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và 9 thủy thủ của HQ 505 vẫn xung phong ở lại bám trụ trên con tàu để bảo vệ hòn đảo cho tới tận hơn 2 tháng sau mới trở về.

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông bảo: “Hai tháng trên con tàu mắc cạn ở đảo Cô Lin là những ngày vô cùng căng thẳng. Tàu Trung Quốc liên tục lảng vảng ngoài khơi để rình rập với ý đồ chiếm đảo. Thậm chí chúng còn dùng loa gọi chúng tôi ra hàng, nếu không sẽ pháo kích tiêu diệt. Tuy vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi nao núng. Tất cả 10 anh em lúc đó đều chung một suy nghĩ: Nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết trên hòn đảo của Tổ quốc mình, như những đồng đội đã ngã xuống của tàu HQ 604”.

Năm 1989, đích thân Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, cùng những danh hiệu cao quý khác cho thủy thủ tàu HQ 505 đã dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cứ đến ngày 14-3 hàng năm, các thành viên HQ 505 lại tổ chức buổi gặp mặt, ôn lại những kỷ niệm xưa. Và ở đó, các mái đầu nay đã bạc vẫn gọi Đại tá Lễ bằng danh từ mà họ quen gọi từ 30 năm trước: Hạm trưởng.

GS.NGND Vũ Dương Ninh: Cần hiểu đúng tính chính nghĩa của chúng ta để sẵn sàng bảo vệ đất nước

Trong quá trình viết sách giáo khoa Lịch sử, chúng tôi đã đưa chi tiết về chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Sau vì quy định khuôn khổ sách giáo khoa, chủ yếu vì lý do "quan hệ tế nhị" với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại nhiều, từ 4 trang xuống chỉ còn 11 dòng. Những tác giả chúng tôi rất không thỏa mãn vì với nội dung như thế chưa thể nói lên được điều gì. 

Tuy nhiên, trước tình hình thực tế, tôi thấy nhu cầu của xã hội đòi hỏi được biết những sự thật đã xảy ra một cách đầy đủ. Việc bí mật thông tin đang khiến nhiều người nghi ngại là chúng ta sẽ chuẩn bị thế nào nếu tình hình tương tự xảy ra. Với học sinh, sinh viên từ chỗ không biết sẽ không phân biệt được đúng sai. Từ đó, các em không chuẩn bị được tinh thần cảnh giác để nhìn nhận đúng nguy cơ và sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước khi Tổ quốc lâm nguy. 

Theo tôi, sách giáo khoa mới nhất thiết phải nhắc tới các sự kiện bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo, từ những vụ như: Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978-1979, trận chiến Vị Xuyên bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1984, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988…

Trên tinh thần cơ bản phải là khẳng định tính chất chính nghĩa của Việt Nam và nêu gương các anh hùng đã đấu tranh để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Chúng ta cần phải khẳng định về phía Việt Nam, đây là một quá trình đấu tranh chống xâm lược bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo.

Phải phân tích cuộc chiến tranh này là do Trung Quốc xâm lược lãnh thổ chủ quyền của chúng ta, chúng ta phải chiến đấu chống xâm lược. Chính vì vậy, ngành giáo dục cần làm cho học sinh hiểu rõ tình hình và thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác.

                                                                                         

  Duy Anh

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã: Cần có hình thức tôn vinh trong sử sách

Với các hoạt động đã diễn ra nhằm tưởng nhớ các chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988, tôi thấy cần nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền để mỗi người dân hiểu được ý đồ của Trung Quốc khi dùng vũ lực chiếm đóng đảo Gạc Ma của Việt Nam.

Đặc biệt, sự chiến đấu kiên cường và những hy sinh xương máu của những người lính Gạc Ma năm nào cần phải được ghi vào sử sách, để những thế hệ kế tiếp hiểu hơn về ý chí và sự xả thân vì đất nước của những người chiến sỹ Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trong mỗi học sinh.  
                                                                                          Thanh Xuân

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, ĐH Thủ đô Hà Nội: Nên sớm tích hợp sự kiện bảo vệ biên giới, Hoàng Sa, Trường Sa vào các môn học

Là giáo viên dạy Lịch sử nhiều năm từ bậc phổ thông lên đại học, tôi thấy rằng, các sự kiện lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ từ xưa đến nay cần được diễn tả đúng sự thật và đưa vào các tài liệu chính thống như sách giáo khoa, sách Lịch sử....

Việc đưa quá ít thông tin về chiến tranh biên giới phía Bắc hay trận đánh Gạc Ma trong sách giáo khoa hiện hành cần được thay đổi trong nội dung sách giáo khoa mới. Hãy đưa những nội dung này vào dần dần, tùy theo sự nhận thức của học sinh các cấp học khác nhau.

Đối với học sinh tiểu học có thể đưa dưới các câu chuyện lịch sử, gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ bảo vệ biên giới và bảo vệ biển đảo; các lễ hội truyền thống như Hội Khao lề thế lính ở Lý Sơn...

Đối với cấp THCS và cấp THPT, các sự kiện đưa vào là những sự kiện đã diễn ra gắn với phần Lịch sử Việt Nam các giai đoạn tương ứng. Cố gắng diễn tả lại đúng sự thật những gì đã diễn ra, không nên đánh giá nhận xét, hãy để từ sự thật lịch sử, học sinh sẽ hiểu hơn về lãnh thổ dân tộc, truyền thống giữ nước, thiện chí hoà bình của nhân dân Việt Nam và tự nhận xét, đánh giá...

Trong lúc đợi sách giáo khoa mới thì các Sở GD-ĐT, các nhà trường cần chủ động dạy tích hợp vào một số bộ môn có nội dung liên quan như Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, môn Văn...

                                                                                           

Vinh Hương 

Biên đạo múa Tuyết Minh: Kết nối ý chí của người đã hy sinh và người còn sống

Vào tháng 8-2016, tôi sẽ cho ra mắt vở múa “Người cầm lái” kể về hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Trong vở múa, tôi sẽ dành một chương để nói về sự hy sinh của những người lính, trong đó có các chiến sỹ Gạc Ma.

Tôi muốn kết nối ý chí của người đã hy sinh với ý chí của thế hệ ngày hôm nay, để thể hiện nguyện vọng chung cả dân tộc cùng bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Vở diễn sẽ quy tụ các vũ công tài năng, từng giành giải tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. 

                                                                                     

   Phạm Hương 

Lịch sử cần được tái hiện phong phú, sinh động

Là học sinh thi khối C, tôi chỉ tìm hiểu và biết được các thông tin về chiến tranh biên giới phía Bắc, các cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa qua báo chí, phim tài liệu. Những thông tin này trong sách giáo khoa hầu như không có.

Còn trên lớp, giáo viên cũng chỉ đề cập sơ qua, có thể do hạn chế về tài liệu. Chính vì vậy, kiến thức của học sinh, sinh viên về những sự kiện lịch sử như trận chiến Gạc Ma anh dũng của chiến sĩ hải quân Việt Nam còn khá mơ hồ. Điều này rất đáng tiếc bởi ý thức yêu nước phần nhiều được bồi đắp từ chính những sự kiện lịch sử khách quan, chính nghĩa như vậy.

Thực tế cũng phản ánh, nhiều sinh viên, học sinh còn chưa quan tâm đến những vấn đề lịch sử, chưa có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước. Trước các vấn đề tiềm ẩn đe doạ đến chủ quyền đất nước, không ít bạn trẻ còn thờ ơ và cho rằng việc này không liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi cá nhân mình.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, nếu chỉ đưa những sự kiện lịch sử này dưới dạng con số, dữ liệu khô cứng vào sách giáo khoa thì cũng không đem lại hiệu quả. Nên chăng các sự kiện lịch sử cần được tái hiện qua hình ảnh, cuộc thi, câu chuyện, các tiết mục sân khấu hoá để học sinh, sinh viên được sáng tạo, tìm hiểu và tái hiện qua cách hiểu, cái nhìn của thế hệ hôm nay.

Lương Thị Hải Yến (Sinh viên Khoa Quản trị văn phòng, ĐH Nội vụ Hà Nội)