Kỳ tuyển sinh lớp 10 của Hải Phòng: Học sinh mất điểm oan vì đề Văn đánh đố

ANTĐ - Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 của Hải Phòng gây tranh cãi lớn giữa phụ huynh và Sở GD-ĐT sau khi Sở này công bố đáp án chính thức. 

Trong đề thi, tại câu hỏi 6 của mục Đọc - Hiểu, người ra đề yêu cầu thí sinh xác định câu đơn hay câu ghép đoạn văn bản “Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn” (trích đoạn “Tức nước vỡ bờ” trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố).

Câu hỏi này đã khiến nhiều học sinh lúng túng. Không ít học sinh đã chọn đáp án là câu đơn vì chỉ tìm thấy một chủ ngữ. Thậm chí, trong gợi ý giải đề thi của một trong các trung tâm chuyên luyện thi công khai trên mạng cũng đưa ra đáp án là câu đơn. 

Một giáo viên Ngữ văn của Hà Nội cho biết, trên tổng thể câu văn này là câu đơn bởi lẽ chỉ có một yếu tố chủ ngữ - vị ngữ, trong đó có thể hiểu chủ ngữ là một ngữ danh từ "người ốm rề rề như thế”, vị ngữ là một cụm nếu... thì. Hơn nữa nội hàm ý nghĩa của câu này là câu đơn, chỉ một chủ thể (“người ốm rề rề”) sẽ chịu hậu quả như thế nào (nếu... thì).

Tuy nhiên, đáp án chính thức của Sở GD-ĐT Hải Phòng lại nói đây là câu ghép và đưa ra 2 phương án cấu tạo ngữ pháp của câu này với chủ ngữ là “người”, vị ngữ: “ốm rề rề như thế” cộng với các chủ ngữ ẩn ở các vế sau. Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Mai Xuân Huy cho rằng đây là câu ghép nhưng bị lược chủ ngữ 2.

Việc giản lược xuất phát từ thói quen trong giao tiếp người nói thường lược bớt thành phần trong câu. Ở câu này có thể hiểu đây là câu điều kiện - kết quả (nếu... thì) và là câu ghép có 1 chủ thể nhưng 2 chủ ngữ, trong đó chủ ngữ 2 bị lược bớt. 

Theo một giáo viên Ngữ văn của Hà Nội với câu này cần phải xét cả văn cảnh của câu văn. Đây là câu nói của bà lão hàng xóm sang nhà chị Dậu khuyên chị Dậu với cách nói nếu không lược bớt sẽ là "Người anh ấy ốm rề rề như thế, nếu anh ấy lại phải một trận đòn, thì nhà chị nuôi mấy tháng cho hoàn hồn". Do vậy, đây rõ ràng là câu ghép điều kiện.