Kỳ tuyển sinh 2015: Nháo nhào rút, nộp hồ sơ

ANTĐ - “Canh bạc”, “đánh đề” “chơi chứng khoán”, “ngồi trên chảo lửa”… là những cụm từ mà tuần qua nhiều người đã dùng để ví von về tâm thế của phụ huynh và các em học sinh khi trải qua những ngày căng thẳng lần mò trong “ma trận” nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Những bất cập của một kỳ thi đổi mới ngày càng lộ rõ, khi thí sinh và người nhà luôn ở trong tâm trạng phấp phỏng, lo lắng...
Kỳ tuyển sinh 2015: Nháo nhào rút, nộp hồ sơ ảnh 1

Nhọc nhằn nộp, rút hồ sơ

Những ngày đầu của đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường đại học top trên đã nhận được một lượng hồ sơ điểm cao khá lớn và đã nhanh chóng công bố điểm và danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời. Tuy nhiên đến những ngày giữa của đợt nộp hồ sơ thì nhiều trường đã rơi vào cảnh “vỡ trận” khi những thí sinh điểm cao sau nhiều ngày đắn đo lựa chọn mới bắt đầu nộp hồ sơ.

Điều này khiến không ít thí sinh tưởng đã ở trong ngưỡng an toàn thì nay bị đẩy xuống nguy cơ không trúng tuyển, tâm trạng chẳng khác gì “ngồi trên đống lửa”, nhiều thí sinh quáng quàng rút hồ sơ và lại bắt đầu hành trình “cân, đong, đo, đếm” các trường khác. Việc nộp, rút hồ sơ gặp không ít khó khăn gây căng thẳng cho thí sinh và người nhà.

Thí sinh Nguyễn Văn Chiến (Gia Lâm, Hà Nội) dự kiến xét tuyển sinh theo tổ hợp khối A truyền thống (Toán, Lý, Hóa) cho biết em đạt 22 điểm nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa biết nộp hồ sơ vào trường nào.

“Suốt từ ngày 1-8 đến nay, ngày nào em và bố mẹ cũng lên mạng để xem mức điểm của các trường dự định nộp hồ sơ nhưng nhìn vào thống kê của các trường thì như một ma trận, mỗi trường công bố một kiểu, bản thân em là người có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với Internet còn thấy khó mà lựa chọn, huống chi các bạn thí sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với mức điểm của em thì lựa chọn trường thực sự là khó khăn, trường mình thích thì quá nhiều thí sinh điểm cao nộp hồ sơ, khả năng trượt là rất cao. Hầu như tối nào gia đình em cũng như một “cuộc họp” để mổ xẻ về việc nên nộp hồ sơ trường nào cho chắc chắn, rồi gọi điện hỏi ý kiến của nhiều người thân làm trong ngành giáo dục mà vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Thực sự là nếu như những kỳ thi trước, thí sinh thi có thể chọn trường mình yêu thích thì năm nay sẽ phải ưu tiên trường nào phổ điểm vừa sức với mình hơn”.

Chiều ngày 12-8, khu vực nộp hồ sơ của trường ĐH Bách Khoa, Hà Nội khá nhiều phụ huynh và học sinh đang chờ làm các thủ tục nộp hồ sơ. Khuôn mặt mệt mỏi, chị Phạm Thị Tình (Sơn Dương, Tuyên Quang) chia sẻ: Vì nhà neo người nên dù bị say xe chị vẫn phải đưa con xuống Hà Nội để nộp hồ sơ xét tuyển đại học từ 5h sáng. Quãng đường đi mệt mỏi, xuống đến nơi vẫn chưa có chỗ nghỉ ngơi. Con trai chị đạt 7,75 điểm, nếu như những ngày trước so đi tính lại thì có khả năng đỗ, nhưng khi xuống đến đây chị mới biết là điểm số này khá bấp bênh. “Hiện cháu vẫn nộp hồ sơ vào trường, nhưng có lẽ gia đình tôi sẽ phải nghe ngóng, nếu thấy bấp bênh quá mẹ con tôi sẽ phải đi rút hồ sơ sớm để nộp trường khác”.

Thí sinh Lê Phương Uyên (Nghệ An) thì cho biết với mức điểm 26,5, em đã khá tự tin khi nộp hồ sơ vào trường Đại học Ngoại thương, và nếu với phương thức thi tuyển như mọi năm có lẽ khả năng em được học trường này gần như đã chắc chắn. Nhưng năm nay thì em lại phải vượt gần 300km ra Hà Nội để rút hồ sơ để nghiên cứu nộp một trường khác.

Việc rút hồ sơ, nộp hồ sơ khá phức tạp và mất thời gian, không ít phụ huynh đã phải chọn giải pháp thuê nhà trọ để ở và nghe ngóng. Anh Tiến (Nghệ An), một phụ huynh đang chờ con rút hồ sơ ở trường ĐH Ngoại thương ngán ngẩm cho biết từ ngày nộp hồ sơ, ngày nào con anh cũng phải ra cửa hàng Internet ít nhất một lần để theo dõi lượng hồ sơ nộp vào trường mình đăng ký. “Đến hôm kia thì nó nói là khả năng đỗ không cao, nên muốn tự mình bắt xe ra rút hồ sơ, tôi không yên tâm nên đi cùng. Hai cha con thuê nhà nghỉ ở nếu thuận lợi thì nộp hồ sơ trong tuần này, nếu không thì có khi phải đến tuần sau chứ đi về mấy lượt như thế thì cực quá”. 

Như “phiên chợ chứng khoán”

Mỗi thí sinh có tới 4 giấy báo điểm để nộp cho 4 trường, mỗi trường lại được đăng ký tới 4 nguyện vọng khác nhau. Riêng đợt xét tuyển lần 1, Bộ GD-ĐT đã dành hẳn 20 ngày cho các thí sinh tha hồ “ngắm nghía”, suy nghĩ để nộp hồ sơ. Cơ hội tưởng nhiều, thời gian dài rộng, nhưng những ngày qua đối với phụ huynh học sinh, đặc biệt những em ở ngưỡng đểm trung bình thì đây đúng là quãng thời gian “tra tấn tinh thần”. 

Ghi nhận vào cuối tuần qua tại các trường đại học lớn, rất nhiều thí sinh điểm cao mới bắt đầu nộp hồ sơ. Tại trường Đại học Y Hà Nội, một thí sinh ở trường THPT Hiệp Hòa 2, Bắc Giang đạt 27,75 điểm cho biết: Vì chắc khả năng đỗ nên em không vội trong việc nộp hồ sơ. Không ít thí sinh điểm cao cũng có chung tâm lý như vậy, nên áp lực càng dồn vào những thí sinh ngưỡng điểm trung bình, bởi nếu thí sinh điểm cao cũng dồn hồ sơ vào những ngày cuối thì thí sinh điểm trung bình sẽ đi đâu. Một ví dụ như những ngày gần đây ngành Toán học của Đại học Sư phạm Hà Nội, lượng thí sinh điểm cao nộp hồ sơ vào đây khá nhiều, trong khi chỉ tiêu ngành chỉ có 140. Vì vậy ngày 8-8, thí sinh xếp thứ 140 của ngành có số điểm là 21 thì đến ngày 11-8 đã đẩy lên 25 điểm.

Ngày 12-8, ĐH Bách khoa Hà Nội có 12.000 hồ sơ ĐKXT, gấp đôi chỉ tiêu, nhiều ngành điểm chuẩn đã tăng lên từng ngày. Cùng với đó, lượng thí sinh rút hồ sơ những ngày này rất đông, đến 12-8 đã lên đến hơn 400 em, chủ yếu là thí sinh đạt 22 điểm. 

Tại nhiều trường, tình hình rút, nộp hồ sơ được miêu tả như “phiên chợ chứng khoán”. ĐH Công nghiệp Hà Nội, số hồ sơ nhà trường nhận được tính đến hết ngày 12-8 là khoảng 13.000 hồ sơ, trong đó thí sinh rút hồ sơ khoảng gần 1.000 em. Trong khi đó số lượng thí sinh nộp hồ sơ cũng tăng thêm nhiều vào những ngày này. Trường ĐH Kinh tế quốc dân đến thời điểm này cũng có khoảng gần 200 thí sinh xin rút hồ sơ.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng đào tạo nhà trường thì khả năng thí sinh đã có tên trong danh sách trúng tuyển tạm thời bị trượt vào những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển là hoàn toàn có khả năng, vì có thể có những thí sinh điểm cao nộp hồ sơ vào những ngày cuối “đánh bật” những em này ra. “Những ngày qua tâm trạng thí sinh, phụ huynh rất lo lắng, vì thời gian xét tuyển dài, khả năng đỗ/trượt của thí sinh nhất là những em có điểm sát cuối bảng là không chắc chắn. Nhưng nguyên tắc đã đề ra, chỉ tiêu có hạn thì chúng tôi cũng không có cách nào, chỉ có thể chờ đến năm sau Bộ sẽ có những biện pháp khắc phục. Các em thí sinh cần chú ý theo dõi, cập nhật tình hình hồ sơ xét tuyển của trường để rút hồ sơ kịp thời nộp trường khác nếu khả năng bị trượt cao”.

Để hạn chế những khó khăn của thí sinh khi phải đi lại nhiều lần để rút/nộp hồ sơ, ngày 12-8, Bộ GD&ĐT đã có công văn cho phép thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT và nộp vào trường khác sẽ trực tiếp rút hồ sơ tại trường theo quy định hoặc có thể tới Sở GD&ĐT địa phương hoặc các trường THPT do Sở GD&ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Tuy nhiên, trên thực tế việc này không dễ, bởi các trường THPT, các Sở GD&ĐT không thể có đủ thông tin để tư vấn cho các thí sinh, và vì vậy, đa phần các thí sinh vẫn phải đổ về các trường để rút hồ sơ và trực tiếp tìm đến các trường khác để được tư vấn nộp hồ sơ.

Rối loạn vì hồ sơ ảo

Tính đến hết ngày 12-8, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tiếp nhận gần 4.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trên tổng chỉ tiêu là 4.800. Tuy nhiên trong danh sách đăng ký xét tuyển của nhà trường lại có tới trên 10.000 lượt thí sinh khiến nhiều thí sinh, phụ huynh lo lắng. Lý giải về điều này, đại diện nhà trường cho biết vì được đăng ký tới 4 nguyện vọng nên mỗi thí sinh có thể xuất hiện ở 4 ngành khác nhau, vì vậy danh sách sẽ rất dài. Nhiều người lầm tưởng đó là số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, nên đã đến xin rút hồ sơ, các cán bộ tuyển sinh đã phải giải thích để các thí sinh hiểu. 

Tình trạng trên cũng xảy ra ở nhiều trường đại học khác. Nguyên nhân được cho là do Bộ cho phép mỗi thí sinh được chọn tối đa 4 ngành, vì vậy các thí sinh điểm cao đăng ký 4 nguyện vọng đương nhiên sẽ có trong danh sách của 4 ngành khác nhau, khiến các thí sinh điểm trung bình thấp hoang mang vì số thứ tự của họ bị đẩy xuống quá xa. Các trường chưa lường hết tác động này nên chưa chuẩn bị phương tiện CNTT hỗ trợ, đặc biệt là phần mềm lọc thí sinh ảo. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “hỗn loạn” trong những ngày qua.

Có thể thấy đến thời điểm này, kỳ thi tuyển sinh quốc gia đã không đạt được những mục tiêu như kỳ vọng ban đầu là tiết kiệm, giảm căng thẳng cho thí sinh, thậm chí còn gia tăng những vấn đề này. Lẽ ra mọi năm thí sinh chỉ căng thẳng ở thời điểm thi, thì năm nay tâm trạng lo lắng đã kéo dài suốt từ đầu năm học khi Bộ ra chủ trương “2 trong 1”, và đến tận thời điểm này, khi lẽ ra thí sinh đã chắc chắn về việc đỗ/trượt của mình thì các em vẫn thấp thỏm lo âu, căng thẳng.

Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đưa ra lời khuyên chọn trường cho các thí sinh, trong đó khuyên các em ưu tiên nguyện vọng 1 là ngành học mình yêu thích, nhưng có vẻ như đến thời điểm này, điều đó không phải ưu tiên số 1, mà quan trọng nhất là ngành nào thí sinh có khả năng đỗ nhất thì nộp hồ sơ. 

Một sự thay đổi quá lớn, nhưng các nhà trường, phụ huynh lại không có thời gian đủ dài để chuẩn bị tinh thần và tâm thế. Ngay bản thân Bộ cũng chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, chưa lường được những phát sinh, vậy nên mỗi khi có phát sinh thì lại phải nghĩ “tạm” một kế, giống như chỉ biết “dí quân tốt” trên bàn cờ - như ví von của một chuyên gia giáo dục.