Kỷ niệm về nhà văn Sơn Tùng thời viết “Búp sen xanh”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Bùi Sơn Định, con trai cố nhà văn Sơn Tùng chia sẻ, tác phẩm “Búp sen xanh” thường được tác giả viết vào lúc vào 2 giờ sáng. Bởi Sơn Tùng cho rằng, viết về vĩ nhân rất khác viết về người thường, ở một tầm cao hơn của tình yêu, lòng tôn kính.

Theo chia sẻ của ông Bùi Sơn Định, khởi sử của “Búp sen xanh” là một kịch bản văn học cho điện ảnh. Cha ông rất muốn viết cho điện ảnh bởi loại hình này có trực cảm nhanh, đi thẳng tới trái tim người xem. Kịch bản văn học này sẽ viết về Bác ở những năm tháng tuổi trẻ, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước. Xưởng phim truyện Việt Nam đã đặt hàng nhà văn Sơn Tùng viết kịch bản nhưng sau đó, vì một số lý do nên kịch bản đã không kịp ra mắt.

Vào một ngày đầu xuân năm 1981, nhạc sĩ Văn Cao đã tới thăm gia đình nhà văn Sơn Tùng. Hai ông đã có cuộc đàm đạo văn chương và nhà văn Sơn Tùng cho biết, ông sẽ viết về Bác Hồ ở giai đoạn “thành nhân trước khi thành danh”. Và cũng là cái duyên, thời điểm đó, ông lại gặp nhà văn Nguyên Hồng, Lê Cẩn đã đặt Sơn Tùng viết cuốn “Búp sen xanh”, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập NXB Kim Đồng. Cố nhà văn đã nhận lời. Ông chọn ngày ngày 23-24/5/1981 để bắt tay vào viết “Búp sen xanh”.

Đây là một giai đoạn khó khăn đối với gia đình nhà văn Sơn Tùng. Những bữa cơm trộn bo bo, mì "không người lái" trở nên quen thuộc với các thành viên gia đình. Để có được giấy cho Sơn Tùng viết, vợ ông là người tìm những mảnh tờ hóa đơn bỏ đi, còn một mặt, rộng cỡ gang tay, đóng lại thành tập cho cố nhà văn. Sơn Tùng viết “Búp sen xanh” trong tình trạng lên cơn co giật khi thời tiết thay đổi. Nhưng cứ khi nào cơn co giật qua, ông lại bắt tay vào viết. Để viết được chữ, nhà văn phải buộc bút vào ngón tay mới có thể viết được. Cứ như vậy, những nỗ lực của ông đã được ghi nhận và những trang viết “Búp sen xanh” dần hiện ra trước mắt.

Cố nhà văn Sơn Tùng và tác phẩm "Búp sen xanh"

Cố nhà văn Sơn Tùng và tác phẩm "Búp sen xanh"

Con trai nhà văn Sơn Tùng nhớ lại, cha ông từng nói, viết về Bác Hồ khác viết về những con người khác, ở tầm tầm linh. Cha ông thường dậy từ lúc 2h sáng, tắm sạch sẽ mới ngồi vào bàn viết. Hơn thế, viết về vĩ nhân vốn đã khó lại đặt trong bối cảnh kinh tế gia đình eo hẹp, bản thân bị bệnh nặng nhưng có điều lạ, Sơn Tùng đã viết rất nhanh, hoàn thành tác phẩm trong 3 tháng.

Tuy nhiên, quá trình tìm tư liệu về Bác đã được cố nhà văn tích lũy trong vòng 30 năm. Quá trình này diễn ra âm thầm bằng tình yêu và sự kính trọng đối với vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Cụ thể, từ khi chưa đầy 20 tuổi, nhà văn Sơn Tùng đã thu thập tài liệu, ghi chép, tìm hiểu về Bác qua những câu chuyện kể của cụ Nguyễn Sinh Khiêm và cụ Nguyễn Thị Thanh (anh và chị ruột của Bác Hồ) tại làng Chùa và làng Sen (huyện Nam Đàn) mà ông có may mắn được đến đó khi công tác ở tỉnh Đoàn thanh niên cứu quốc Nghệ An những năm 1948 -1950.

Ông Bùi Sơn Định, con trai cố nhà văn Sơn Tùng tại trưng bày tư liệu về các văn nghệ sĩ nổi tiếng đất nước, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức.

Ông Bùi Sơn Định, con trai cố nhà văn Sơn Tùng tại trưng bày tư liệu về các văn nghệ sĩ nổi tiếng đất nước, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức.

Những năm tháng là phóng viên báo Tiền Phong (1960-1967) trong những dịp được gặp gỡ Bác, Sơn Tùng luôn ghi chép tỉ mỉ những lời nói của Bác và tranh thủ thời gian phỏng vấn trực tiếp. Năm 1968, trở thành phóng viên báo Thanh niên giải phóng, được sống ở miền Nam, ông vẫn chăm chỉ đọc tài liệu, lần theo dấu chân Bác tìm đến những nơi Người đã sống và làm việc, gặp gỡ nhân chứng liên quan để trò chuyện, tìm hiểu, ghi chép lại với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm sau này. Tại chiến khu Tây Ninh, ông bị thương rất nặng với 14 vết thương và 3 mảnh đạn găm trong sọ não, với bàn tay chỉ còn 3 ngón cầm bút.

Ngày đất nước thống nhất, trở về khi đã là một thương binh nặng, Sơn Tùng không từ bỏ mục tiêu đã đặt ra, thậm chí nguyện vọng đi tìm tư liệu về cuộc đời Bác của ông càng thêm chảy bỏng. Với sự hỗ trợ của vợ, ông đã lên đường từ Hà Nội vào Sài Gòn, đến Đồng Tháp, Vũng Tàu, Huế suốt 3 tháng để kiểm chứng và tìm thêm tư liệu. Chỉ khi đạt đến tầm và trí tuệ mẫn tiệp, Sơn Tùng mới bắt tay vào công việc mà ông đã đặt ra cho mình từ rất lâu.

Với “Búp sen xanh”, cố nhà văn Sơn Tùng đã để lại những trang văn xúc động về Bác từ buổi cất tiếng khóc chào đời ở làng Hoàng Trù quê ngoại đến khi tạm biệt bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới, đến với độc giả quốc tế. Tại Việt Nam, “Búp sen xanh” đã tái bản lần thứ 30, với gần một triệu bản in.