Kỷ nguyên mới về hợp tác không gian của Nga và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga cho biết Nga và Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế hôm 9-3, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong hợp tác không gian giữa hai nước.

Hai cường quốc Nga và Trung quốc đã ký biên bản ghi nhớ cam kết hợp tác tuân thủ nguyên tắc "cùng tham vấn, cùng xây dựng và cùng chia sẻ lợi ích tạo điều kiện hợp tác sâu rộng trong Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế (ILRS), mở cửa cho tất cả các nước quan tâm, tăng cường trao đổi nghiên cứu khoa học và thúc đẩy sự khám phá, sử dụng không gian bên ngoài của nhân loại vì mục đích hòa bình". Bản ghi nhớ đã được ký bởi Giám đốc Roscosmos, Dmitry Rogozin và người đứng đầu Cơ quan Quản lý không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA), Zhang Kejian.

Trang web CNSA hôm 9-3-2021 cho biết: “Trạm khoa học mặt trăng quốc tế là một tổ hợp các cơ sở thí nghiệm và nghiên cứu tạo ra trên bề mặt hoặc trên quỹ đạo của mặt trăng, được thiết kế để tiến hành các công việc nghiên cứu đa ngành và đa năng”. Mặc dù dự án sẽ mở rộng cửa chào đón sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và các quốc gia trên thế giới muốn tham gia nhưng vẫn chưa đưa ra mốc thời gian xây dựng chính xác.

Hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ lần này là dấu mốc quan trọng làm sâu sắc và gắn bó hơn mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Đặc biệt là kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine khiến mối quan hệ của họ với nhiều nước trở nên căng thẳng.

Thành tựu về không gian của Nga - Trung

'Xứ sở bạch dương' Nga tham gia vào Trạm vũ trụ quốc tế từ lâu nhưng chương trình không gian của nước này đã phần nào bị 'lu mờ' bởi các chương trình của Trung Quốc và Mỹ. Trong lần phát triển gần đây nhất, Nga đã phóng thử thành công tên lửa đẩy hạng nặng Angara-A5 lần thứ hai vào tháng 12-2020 sau những trì hoãn kéo dài do vấn đề kỹ thuật.

Về phía Trung Quốc, trong những năm đầu khi nghiên cứu về không gian đã dựa rất nhiều vào chuyên môn của Nga nhưng sau đó đã tự tạo ra con đường riêng của mình kể từ khi phóng tàu thành công tàu thăm dò sao Hỏa Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) vào năm 2020. Đặc biệt là sự trở lại an toàn của tàu Hằng Nga 5 với sứ mệnh khám phá Mặt trăng vào tháng 12-2020 cùng 2kg mẫu vật.