Kỹ năng thoát hiểm khi ô tô lao xuống nước

ANTĐ - Đã có rất nhiều vụ tai nạn ô tô lao xuống ao, hồ khiến người ngồi bên trong bị chết ngạt hoặc chết đuối. Tuy nhiên, dường như mọi người vẫn chủ quan và hầu như ít ai quan tâm đến kỹ năng thoát hiểm.

Xung quanh vụ tai nạn ô tô lao xuống ruộng khiến 4 người tử vong vừa xảy ra tại Long An, Thiếu tá Nguyễn Như Ý, Đội trưởng Đội Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp, Phòng CS PC&CC số 11, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội nhận định: Có thể do xe chạy với tốc độ cao, khi lao xuống, phần đầu  xe cắm xuống bùn. Tai nạn xảy ra lúc rạng sáng, người trên xe đang ngủ nên khi va chạm sẽ gây chấn thương làm choáng, ngất. Bên cạnh đó, người ngồi trên xe nếu chưa được trang bị các kỹ năng để thoát khỏi xe trong tình huống này sẽ rơi vào trạng thái mất bình tĩnh, không đủ tỉnh táo để xử lý kịp thời. 

Thiếu tá Nguyễn Như Ý khuyến cáo,  khi không may rơi vào trường hợp này, ngay sau khi xe tiếp xúc với nước, trong thời gian ngắn nhất người trong xe hãy cố gắng mở cửa sổ hoặc cửa xe ngay khi xe vẫn ở trên mặt nước. Khi xe bắt đầu chìm trong nước, sẽ rất khó mở các loại cửa trừ khi áp suất bên trong và bên ngoài xe được cân bằng (tức là bên trong xe hoàn toàn ngập nước). Nếu tất cả cửa sổ vẫn bị đóng thì quá trình cân bằng áp suất trong và ngoài xe sẽ kéo dài lâu hơn và hậu quả là người trong xe sẽ chết vì thiếu ôxy. Hãy cố gắng bình tĩnh và mở cửa sổ bằng mọi cách có thể.

Nếu cửa sổ mở bằng tay, hoặc hệ thống cửa sổ đóng mở bằng điện không hoạt động, hãy cố gắng đập vỡ kính bằng chân hay những vật nặng có trong xe. Thông thường nên sử dụng búa khẩn cấp được trang bị kèm theo xe và được gắn trên thành xe. Nếu không có búa khẩn cấp, thì có thể sử dụng bất kỳ vật dụng nào bạn tìm thấy như kìm, tuốc-nơ-vít, thậm chí giày cao gót… Một điều quan trọng, khi xảy ra tai nạn, đầu xe (nơi để động cơ)  sẽ chìm nhanh hơn, đuôi xe sẽ ở trên mặt nước lâu hơn, vì vậy nên đập kính phía sau. Nếu không thể đập vỡ được cửa kính để thoát ra ngoài, cần bình tĩnh đợi đến khi nước ngập vào toàn bộ xe, áp suất bên trong và bên ngoài xe được cân bằng. Lúc đó bạn có thể thoát ra ngoài bằng cách mở chốt cửa xe gần nhất.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên vội vã tháo dây an toàn bởi khi xe chìm, nước tràn vào, người trong xe rất dễ bị mất phương hướng và nếu tháo dây an toàn, dưới tác động của nước sẽ khó tìm đúng lối thoát. Hơn nữa khi thắt dây an toàn, người trong xe sẽ cố định được vị trí, có điểm tựa để đẩy mở cửa xe thoát ra ngoài.  Nếu trong xe có trẻ em, ngay lập tức khuyên bé bình tĩnh và hít thở sâu cho đến khi mức nước ngang ngực bé. Sau đó hướng dẫn bé hít thật sâu và nín thở bằng cách bóp vào cánh mũi. Ngay sau khi nước đã ngập toàn bộ xe, bạn tháo dây an toàn và giúp bé tháo dây an toàn rồi đưa bé thoát ra trước. Khi đã thoát ra khỏi xe, cố gắng bơi thật nhanh lên mặt nước và tìm sự trợ giúp ngay lập tức.

Người dân quanh khu vực xảy ra tai nạn cần tìm các biện pháp hỗ trợ nhanh nhất. Nếu phát hiện những người trong xe gặp tình trạng chấn thương do va chạm, hoặc mất bình tĩnh do hoảng loạn nên tìm các dụng cụ để đập vỡ kính xe, đưa người bị nạn ra ngoài trong thời gian nhanh nhất và khẩn trương sơ cứu ban đầu, gọi cứu thương...

Ông Đoàn Thanh Giang, Trưởng Phòng bán hàng đại lý Mazda Nguyễn Trãi cho biết hiện nay, quá trình học, thi sát hạch lái xe tại Việt Nam không hề dạy các kiến thức về kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn, các bước sơ cứu ban đầu. Đây là những kiến thức rất hữu ích cần phải đưa vào chương trình đào tạo lái xe. “Chủ xe ô tô nên mua các thiết bị cần thiết để thoát hiểm như búa khẩn cấp để trang bị trên xe, không bao giờ là thừa”, ông Giang nói.