Kỷ lục về chuyện tình cảm động nhất

ANTĐ - Nếu có một kỷ lục về chuyện tình cảm động nhất, tôi nghĩ người đầu tiên xứng đáng là vợ chồng bà Nguyễn Thị Xuân, ông Trần Minh Thuận ở Thái Bình. Cảm động không phải chỉ vì họ vượt qua nhiều trở ngại để đến với nhau, mà còn vì sự hy sinh lớn lao của người vợ và những nỗ lực của người chồng. Họ đã viết lên một chuyện tình đẹp giữa vùng quê lúa bình dị và một lần nữa chứng tỏ một điều: tình yêu đẹp có thật ở trên đời.

Kỷ lục về chuyện tình cảm động nhất ảnh 1Gia đình ông Trần Minh Thuận

Yêu người mất đi đôi mắt và 80% sức khỏe

Chưa gặp họ thì tôi chưa tin. Và khi đến với ngôi nhà của họ ở thôn Đông Phong, xã Hồng Phong, huyện Đông Hưng thì tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục. Ngôi nhà ấy đã không còn xập xệ như trước nữa. Nó đã được “đầu tư” xây dựng bằng tiền cấy thuê và tiền bán thóc mót ngoài đồng của người vợ tảo tần quyết vực kinh tế gia đình. 

Tôi biết được, ông Trần Minh Thuận là một thương binh tiêu biểu - người phải gánh chịu hậu quả đau đớn của chiến tranh. Ngược dòng quá khứ, thủa nhỏ Trần Minh Thuận và cô gái nhà sát vách Vũ Thị Rần rất thân với nhau. Đi chơi đâu cũng có nhau, kể cả những buổi trưa bêu nắng, tát ròn bắt cá, chăn trâu... Khi cả hai ở tuổi thanh niên, những đêm dưới ánh trăng quê, họ đã thề non hẹn biển sau này sẽ kết thành đôi. Hai gia đình rất tán thành mối lương duyên của đôi bạn trẻ. Giữa buổi đất nước có giặc, Thuận cũng như bao nhiêu trai tráng khác, mong muốn góp sức mình để bảo vệ quê hương. Anh nhập ngũ, được điều động vào đơn vị trinh sát C71, Binh đoàn 559 rồi vào chiến trường phía Nam Quảng Trị. Vào năm 1971, trong một lần đi làm nhiệm vụ ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), tổ trinh sát vấp phải mìn của địch. Mìn nổ, anh ngất đi và sau đó được đồng đội phát hiện, đưa về cứu chữa. Khi tỉnh dậy, anh bàng hoàng biết đôi mắt mình đã tổn thương nặng. Được chuyển về điều trị Trung tâm điều dưỡng thương binh tại Thanh Hóa. 

Kể câu chuyện đến đây, bỗng dưng ông Thuận dừng lại rồi hỏi tôi: “Anh có biết tôi nghĩ đến ai đầu tiên không? Đó là bà Rần. Người mà tôi đã cùng thề ước. Nhưng nghĩ đến người yêu lòng tôi lại xót đau. Lúc đó đến bản thân tôi còn chẳng lo nổi cho mình, huống hồ…”.

Nghĩ và thương người yêu, ông Thuận đã nhờ đồng đội viết thư, gửi về quê cho người yêu nhưng không cho biết địa chỉ của mình. Ông bảo để người yêu khỏi đi tìm và hãy tìm hạnh phúc với một người đàn ông khác. Nhưng Rần vẫn quyết đi tìm người yêu. Không biết ông Thuận điều trị ở đâu, bà đã tìm vào tận Quảng Bình, Nghệ An, rồi cuối cùng tìm thấy ông ở Thanh Hóa. Tìm được rồi, bà lại theo ông đi điều trị ở một số trung tâm điều dưỡng, Viện Quân y 108... và bảo rằng, sẽ cùng người yêu đi bất kể nơi đâu, đến chân trời góc biển, để phục hồi sức khỏe cho ông Thuận. 

Sau này, khi ông Thuận hỏi, bà Rần đã thổ lộ: “Lúc biết tin anh mất đôi mắt và hơn 80% sức khỏe, em đã như rụng rời chân tay. Nhưng  em nhất quyết đi tìm anh. Dù mình chưa cưới, nhưng đã coi như vợ chồng. Vì thế phải chia ngọt sẻ bùi cho nhau”. 

Cuộc sống thử thách nghị lực

Đúng như lời thề hứa, bà Rần đã đưa ông Thuận về quê và năm 1973 họ đã làm đám cưới trong sự đùm bọc của gia đình, đồng đội. Tuy giản đơn nhưng lại rất vui vẻ. “Tôi cứ nghĩ đời tôi thế cũng là ổn. Vợ tôi mang thai, sau khi đất nước giải phóng, tháng 5-1974, bà ấy sinh con trai, nhưng cuộc sống lại tiếp tục thử thách tôi. Con trai tôi bị dị dạng”, ông Thuận thảng thốt nhớ lại ngày tháng đó.

Ngày đó, ôm con trong tay mà lòng ông bà đau thắt. Đứa trẻ sơ sinh da trắng bệch, tóc vàng, hai mắt lồi ra, xanh lè, mũi lại đỏ hoe, mình mẩy mọc đầy lông lá... Ông Thuận ngộ ra là mình đã nhiễm chất độc da cam trong thời gian làm trinh sát ở chiến trường. Đứa bé sống được hai năm thì mất. Lòng người cựu binh không nản, đã động viên vợ có mang và sinh con trai, nhưng cũng dị dạng như trước, hai người đặt tên là Trần Văn Tộ. Cứ nghĩ nếu sinh thêm, trời sẽ thương ban cho đứa con lành lặn để làm chỗ dựa, hai người tiếp tục sinh hai con là Trần Văn Tiện và Trần Thị Điệp. Tiện lành lặn, khỏe mạnh là niềm vui sướng của ông bà, nhưng đến Điệp thì lại giống anh cả, èo uột, yếu ớt, lúc thì khóc sướt mướt, khi lại cười phá lên, rồi lăn đùng ngã ngửa, sùi bọt mép... Một lần nữa, số phận ập lên đầu ông bà thêm gánh nặng.

Hai vợ chồng cần mẫn, chăm con trong nỗi đau. Bà Rần phải lặn lội, làm đủ việc để kiếm miếng ăn cho 5 người. Quanh năm quần quật, cày thuê cuốc mướn, mò tôm bắt ốc làm sức bà kiệt quệ. Thương vợ, ông Thuận cũng cố đan rổ, rá, làm chổi bán ngoài chợ để đỡ đần cho đôi vai trầy trật của người đàn bà tận tụy. Cứ như thế, đằng đẵng gần 30 năm trời tối mắt tối mũi, sau khi cố gắng xây dựng gia đình cho con trai Trần Văn Tộ thì bà Rần mất vì ung thư. “Đúng vào đầu năm 2003 bà Rần mất. Tội lắm, bà ấy lấy tôi chẳng được ngày nào sung sướng, ra đi mà vẫn lo cho con, vẫn không thoát được vất vả”, ông Thuận nức nở.

Cuối đời có hậu

Nỗi vất vả của thương binh Trần Minh Thuận tưởng cứ như vậy sẽ nhân lên gấp bội trong cảnh gà trống nuôi con. Ông thậm chí còn lo lắng không biết mình có mỏi mòn mà mất sớm, ấy thế nhưng giữa lúc lắng lo thì một người phụ nữ nhân hậu xuất hiện. Người đó, không ai khác, chính là cô em vợ, kế bên bà Rần, người vẫn từng ngưỡng mộ “anh Thuận lành hiền”. Nếu như chuyện tình giữa ông Thuận và bà Rần đã là một kỷ lục thì cuộc tình của ông Thuận với bà Xuân lại ghi thêm một kỷ lục cao hơn. Bởi hơn ai hết bà Xuân hiểu được gia cảnh của ông anh rể, không chỉ ông Thuận như vậy mà lúc này còn có thêm hai đứa con tàn tật.

Bà Vũ Thị Xuân, cũng là một người kém may mắn. Thời con gái, bà cũng được gả cho người cùng làng, rồi lên Điện Biên làm kinh tế. Thế nhưng chẳng may chồng bà bị ung thư, mất đi, bỏ lại bà và một cô con gái. Một năm sau ngày chồng mất thì bà Rần đổ trọng bệnh, bà Xuân về quê chăm sóc chị gái, rồi chịu tang. Suốt thời gian chừng hơn hai tháng chị gái ốm nặng, bà Xuân một thân một mình túc trực bên người chị. Trước khi mất, bà Rần trăng trối lại cho em gái: “Chồng em mất rồi, chị cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Anh ấy và các cháu tội nghiệp lắm. Thôi thì, chị nhờ em chăm sóc anh và các cháu, để cho bố con anh ấy đỡ tủi, chị ra đi mới nhắm mắt được. Thôi thì, sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì...”. Bà Xuân gạt nước mắt, gật đầu đồng ý.

Bà Xuân đã lên Điện Biên bán vườn, đất đai đem con gái về Thái Bình để làm tròn lời hứa với chị. Thấy căn nhà của anh rể dột nát, lại mù lòa trông hai đứa con tật nguyền, lòng bà nghẹn lại. Bà đã quyết định thay chị chăm sóc mái ấm còn nhiều khiếm khuyết, mặc cho thiên hạ có nhiều người dị nghị. Ngày hai người về sống với nhau, gia đình làm mấy mâm cơm mời họ hàng. Rất nhiều người cảm thông, thương cho thân phận, cho những con người bất hạnh. Nay lại bấu víu, nương tựa vào nhau, làm thành một gia đình và làm nên một câu chuyện cảm động. Nhắc về những chuyện đã qua, bà Xuân tâm sự: “Tôi và anh làm một gia đình, thứ nhất là vì lời hứa với chị. Sau đó là để đỡ chịu cảnh nuôi con một mình. Con gái tôi có cha, các cháu tôi có mẹ. Tôi lại có thể chăm sóc anh ấy và cáng đáng công việc. Khi bán vườn ở Điện Biên, nhiều người nghĩ tôi về quê, chắc phải lấy chồng giàu có lắm. Thực tình thì đâu phải thế”. 

Còn ông Thuận vô cùng cảm động trước tấm lòng ân nghĩa và tình thương của bà Xuân. Ông bảo, đó cũng coi như một may mắn lớn của cuộc đời bất hạnh. Trước đó, có người chịu lấy con trai ông - Trần Văn Tộ - chàng trai dị hình dị dạng cũng là một niềm vui, một sự ân nghĩa tưởng như không bao giờ xảy ra. Mấy năm sau anh con trai thứ hai là Trần Văn Tiện cũng xây dựng gia đình với cô gái xứ Nghệ - Hồ Thị Nghĩa. Để lấy được anh Tiện, chị Nghĩa cũng phải đấu tranh rất khổ sở với gia đình, để về làm dâu một gia đình nhiều thiệt thòi. Giờ vợ chồng Tiện vừa làm ruộng, vừa làm hàn xì để kiếm sống, nuôi con.

Ba bố con ông Thuận đã có người “nâng khăn sửa túi”, là một điều kỳ diệu và đẹp. Họ quây quần sống bên nhau, đùm bọc nhau giữa xóm làng bình yên quê lúa. Nói chuyện với ông Thuận, tôi nhận ra ông rất vui vì được một người phụ nữ hàn gắn những vết thương lòng, để sống và hướng về tương lai. Tôi tin rằng ông bà đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa. Và là những người đã viết lên bài ca đẹp về tình yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống.