Kỷ lục 1.500 người đăng ký hiến mô, tạng trong 1 ngày

ANTĐ - Cuối tuần qua, tại Học viện Quân y, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục Việt Nam về số người đăng ký hiến mô, tạng với kỳ tích gần 1.500 người đăng ký hiến tạng, mô chỉ trong 1 ngày (19-12). Quan trọng hơn, sự kiện này còn mở ra cơ hội sống cho hàng nghìn người bệnh hiểm nghèo.

Kỷ lục 1.500 người đăng ký hiến mô, tạng trong 1 ngày ảnh 1Hàng nghìn sinh viên, người dân đăng ký hiến tạng tại Học viện Quân y ngày 19-12

Một cơ thể chết não có thể ghép cho 10 bệnh nhân

Hai ngày trước khi sự kiện “Ngày hội chung tay vì sự sống năm 2015” diễn ra tại Học viện Quân y thì tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã thực hiện cùng một lúc 4 ca ghép tạng từ một người cho chết não. Cụ thể, sau khi có một bệnh nhân nam chết não vì tai nạn tình nguyện hiến tạng, các bác sĩ đã lấy nguồn tạng hiến từ người hiến để thực hiện ghép thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối, ghép tim cho 1 bệnh nhân và ghép gan cho 1 bệnh nhân khác.

Cũng nhờ đó, 4 bệnh nhân đang mang trong mình bệnh trọng đã có cơ hội được hồi phục. Chẳng hạn trường hợp được ghép tim là bệnh nhân nam (44 tuổi, ở Hà Nội), trước khi ghép đã rơi vào tình trạng rất nguy kịch, có nguy cơ tử vong, thậm chí khi đưa lên bàn mổ để thực hiện ca ghép bệnh nhân còn phải dùng máy tim phổi nhân tạo hơn 2 giờ đồng hồ. Thế nhưng vài ngày sau ca ghép, hiện bệnh nhân đã tỉnh và không phải dùng máy thở, các chức năng đã ổn định. 

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn và gia tăng nhanh. Hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…. Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn tạng khiến nhiều bệnh nhân tử vong trong thời gian chờ ghép.  GS.TS Trịnh Hồng Sơn nhấn mạnh, trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế song khó khăn nhất vẫn là nguồn hiến tạng. Ngay tại Bệnh viện Việt-Đức trung bình mỗi ngày có từ 2-3 trường hợp chết não nhưng trong 5 năm qua, mới chỉ có gần 30 trường hợp chết não hiến tạng. Trong khi, một cơ thể bị chết não có thể ghép cho khoảng 10 bệnh nhân.

Tính trên cả nước từ năm 2006 đến nay, có hơn 1.000 trường hợp được ghép mô, tạng nhưng nguồn mô, tạng hiến để ghép chủ yếu từ người đang sống - người thân hiến 1 quả thận, 1 phần gan… và hiến giác mạc, trong khi nguồn tạng từ người cho chết não rất ít. 

Cần thay đổi nhận thức của cộng đồng

Theo dự kiến ban đầu, sự kiện “Ngày hội chung tay vì sự sống năm 2015” được tổ chức nhằm thu hút hàng nghìn học sinh các trường đại học khu vực Tây - Nam Hà Nội tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra sự kiện, hàng nghìn người dân, cán bộ y tế và một số hòa thượng cũng đến đăng ký hiến mô, tạng. Nhiều người đăng ký hiến giác mạc, thận, tụy, tim, gan, xương, phổi, gân, sụn, da… Nhờ đó, chỉ trong 1 ngày (19-12), đã có tổng cộng gần 1.500 người đăng ký hiến mô, tạng, lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận về sự kiện này, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: “Đây là một ngày hội đặc biệt, truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người - trước hết là những sinh viên ngành y hãy đăng ký hiến mô, tạng. Sống để hiến tặng, nếu không may những bác sĩ tương lai này có ra đi thì cũng có thể giúp ích cho nhiều người. Đây cũng là kỷ lục về tình yêu thương, lòng nhân ái của những trái tim tình nguyện”.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết thêm, từ năm 2006 - 2013, số lượng người đăng ký hiến tạng, mô còn hạn chế nhưng gần đây, số người đăng ký hiến tặng đã có xu hướng tăng lên đáng kể. Chỉ riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 2.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não. Theo ông Phúc, nhận thức của người Việt Nam về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao, sự hiểu biết về chết não còn hạn chế, đặc biệt là quan niệm về cái chết toàn thây còn nặng nề. Điều cần làm lúc này là thay đổi được nhận thức của cộng đồng. Khi nào mỗi người hiểu được rằng, sự sống được trao đi, bao mảnh đời được ở lại thì kỹ thuật ghép tạng, mô mới thực sự thành công.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ, một người nào đó quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng, họ sẽ mang lại cơ hội cứu sống cho rất nhiều người bệnh. Hơn thế nữa, khi một người ra đi với ý nghĩa hiến tặng mô tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương, tôn kính của người đời.