Kỷ luật bí thư, chủ tịch để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc

ANTĐ - Thành ủy Hà Nội yêu cầu kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ quản lý ở cấp cao hơn. 

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tạo sự chuyển biến thật sự rõ nét về công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị; trọng tâm là tiếp tục chấn chỉnh lại kỷ cương, trật tự xây dựng; đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Thành ủy cũng yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ quản lý ở cấp cao hơn. 

Thành phố sẽ xử lý nghiêm cán bộ quản lý liên quan tới vi phạm trật tự xây dựng

Cùng với đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố, tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, đặc biệt là về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của nếp sống công nghiệp, hiện đại; xây dựng phong cách ứng xử, giao tiếp có văn hóa nơi công sở, trong cộng đồng, trên đường phố và các hoạt động tổ chức lễ hội. Tích cực triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, trước hết là áp dụng quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy trình bình xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Làng văn hóa, Cơ quan văn hóa đảm bảo thực chất, không hình thức.


Thành ủy cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng quy chuẩn, hiện đại về điện, điện chiếu sáng (ứng dụng đèn Led tiết kiệm năng lượng, thí điểm ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng sạch - năng lượng mặt trời); cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc, hệ thống biển báo, biển quảng cáo, cây xanh, vỉa hè… Đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, hạ ngầm, bó gọn đường dây cáp điện; xây dựng Đề án phát triển cây xanh (tăng tầng cây xanh kết hợp tầng cây hoa tạo cảnh quan, điểm nhấn đô thị từng tuyến đường, khu vực, khu vui chơi). Tập trung nguồn lực đầu tư, theo lộ trình phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hoàn thành các công trình chất lượng, đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Nghiên cứu tiếp tục xây dựng một số cầu vượt, nút giao thông thông minh tại các tuyến, khu vực trọng điểm; thường xuyên rà soát việc phân luồng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, hướng dẫn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn dừng, đỗ xe đúng nơi quy định, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tăng cường phương tiện giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân. Tăng các điểm để xe tại không gian ngầm. Sắp xếp, tổ chức lại các điểm trông giữ xe, không để tình trạng thu phí không đúng quy định. Xử phạt nghiêm minh, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần.
Chỉ thị cũng nêu yêu cầu duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường; xây dựng nếp vệ sinh hàng ngày, hằng tuần tại các hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư; quy hoạch, bố trí đủ các thùng rác nơi công cộng. Nghiên cứu bổ sung chế tài và xử lý nghiêm việc vứt rác, xả rác trên đường phố, nơi công cộng, việc tập kết vật liệu, đổ phế liệu, phế thải không đúng quy định. Bố trí lực lượng định kỳ thu gom rác trên các tuyến phố; áp dụng cơ giới hóa khâu thu gom rác, hút bụi đường phố. Khẩn trương triển khai thêm các điểm vệ sinh công cộng và đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư đối với nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến phố.
Cần kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng yêu cầu về môi trường đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Các công trình xây dựng, các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng phải thực hiện đúng quy định về che chắn, xử lý bụi. Kiểm tra và kiên quyết loại bỏ những phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, hết niên hạn sử dụng, gây ô nhiễm. Tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng Thủ đô triển khai quy hoạch các địa điểm xử lý rác cho các địa phương trong vùng...

Tin cùng chuyên mục