Kỳ lạ vùng đất bắt sâu làm thức ăn, đồ nhậu

ANTĐ - Trong vô vàn món ăn đặc biệt và lạ lùng trên thế giới, ở Việt Nam có một vùng đất mà người ta thường bắt sâu đêm về làm thức ăn tươi. Loài sâu này được coi là đặc sản và chỉ có khách quý mới được mời. Không chỉ làm các món rang, xào, nhiều người con bắt sống sâu ăn ngay tại chỗ.

Kỳ lạ vùng đất bắt sâu làm thức ăn, đồ nhậu ảnh 1Sâu muồng và món nhộng sâu đặc sản của người Tây Nguyên

Mùa sâu “nhảy dù”

Những con rươi, sâu cát, sâu chít, sâu muồng hay thậm chí là nhộng là những con trùng nhắc đến đã thấy rợn tóc gáy nhưng khi chế biến thành món ăn thì nó trở thành món ăn đầy hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam. Nếu ai đó được thưởng thức qua và kể về nguồn gốc món ăn, không hiểu ai đó có bất chợt giật mình với món ăn này không.

Tôi theo chân một nhóm thanh niên làng Dei Go (xã IaMơ Nông, Chư Păh, Gia Lai) men theo con sông Sê San từ thượng nguồn nhà máy thủy điện Yaly để mục kích người dân trong ngôi làng chuyên bắt sâu để làm thức ăn này. Mùa này đang vào tháng ba Tây Nguyên, thi thoảng có những cơn mưa giông bất chợt đầu mùa đổ về. Đây cũng là lúc cây cối đâm chồi nở lộc, nhưng thảo nguyên chuyển mình thay cái áo vàng khô khốc bằng màu xanh yên bình trải dài theo những triền đồi xa xa, những đàn bươm bướm vàng nho nhỏ chấp chới bay theo một chiều. Hàng đàn bướm bay rập rờn khắp vùng Tây nguyên là dấu hiệu thông báo thời điểm phát triển của mùa sâu muồng. Không khó khăn để bắt gặp những con sâu muồng đang ăn lá khi đi dọc những con đường trên các quốc lộ hay trên các rẫy cà phê, tiêu trên vùng đất nắng gió này.

Điều này đã trở thành nét đặc trưng của Tây nguyên. Buổi sáng cây muồng còn tươi tốt và lá xanh um, nhưng chỉ hai hoặc ba ngày sau, trên tán lá cây, xơ xác và trơ trụi là hàng ngàn con sâu muồng bám vào khiến cây biến thành màu nâu nâu thâm thâm. Dưới đất là màu đen kịt, đấy là phân sâu ăn lá thải ra. Buổi trưa, trời im ắng, đến gần cây sẽ nghe tiếng sâu muồng ăn lá rào rào như tằm ăn rỗi.

Vào thời điểm mùa khô ở Tây nguyên như lúc này, nhiều người dân không chỉ ở làng Dei Go và các làng khác lân cận như làng Díp, làng Dóc cũng rộ mùa bắt sâu. Đối với những người vùng khác tới đây thấy cảnh ngàn ngàn con sâu trên một thân cây thì vô cùng khiếp sợ, nhưng với người dân Tây Nguyên nơi đây thì họ chẳng xa lạ gì, mà ngược lại họ còn có phần phấn khởi vì mùa bắt sâu đã về. Nhưng con sâu này có màu xanh đậm không phủ trên mình lớp lông xấu xí ghê rợn như các loài sâu khác. Sâu muồng mình trơn, di chuyển bằng cách cong người lại rồi tung đầu ra phía trước mà dân gian gọi là sâu đo. Khi bị hù dọa hay di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Các chân sau của chú sâu muồng bám vào cành để đầu và các chân trước ngo ngoe tìm kiếm điểm dừng chân mới, sau đó rút chân sau ra và nhập vào vị trí mới chọn. Anh Ksor Nuôi, một người dân làng Dei Go vừa đi bắt sâu về, trên vai là lủng lẳng một bì sâu muồng to tướng cười với chúng tôi khoe chiến tích của mình. Nhìn những con sâu vẫn còn sống ngoe nguẩy trong tay anh, chúng tôi không khỏi rợn người, còn anh Ksor Nuôi thì cười cho biết: “Đây là thức ăn của nhà mình đấy. Không chỉ nhà mình, mà nhiều gia đình khác cũng bắt sâu này về chế biến thành món ăn để “cải thiện”. Ăn không hết thì mang bán cho người ta, cũng có giá lắm đó!”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Ksor Nuôi không giấu giếm rằng cách bắt loài sâu này khá đơn giản, chỉ cần mang theo một cái bịch nilon, đến gần cây muồng có nhiều sâu, leo lên và ra sức rung, sâu rơi như sao sa và chỉ việc nhặt sâu cho vào bịch, có khi đi nửa buổi trưa là đầy một bịch nilon vài kg là thường. Ksor Úc, một thanh niên làng Dei Go cười bảo: “Nếu sợ sâu bọ thì chớ có đến gần những nơi có cây muồng, vì bất cứ lúc nào những chú sâu có thể “nhảy dù” trêu ngươi làm ai yếu bóng vía phải khiếp sợ. Nhưng chúng chỉ hù thế thôi chứ không có hại ai cả, vì sâu muồng không gây ngứa, cũng không có vết cắn đâu. Đây là một loài sâu ăn lá”. Theo lời kể của đám thanh niên trong làng, thì khi trời nắng nóng, lũ sâu ép sát thân mình vào cây muồng hòa lẫn trong sắc xám đen của vỏ muồng, phải tinh mắt mới nhìn thấy hằng hà sa số chú sâu đang ẩn thân trên vỏ cây. Cây cối đang xanh tốt chỉ sau vài ngày sâu về làm tổ đã  sạch bóng không còn một chiếc lá, lộ ra chỉ còn thân cây gầy guộc, mỏng manh. Khi sâu trưởng thành, chúng bắt đầu rời bỏ ngọn cây mà trở về cùng thân cây muồng để kéo kén, kết thúc khoảng thời gian sinh trưởng với ngoại hình khó ưa trở thành nhộng. Đây là thời gian ngủ và chờ đợi sự tái sinh để được bay lượn khắp trời Tây nguyên dưới sắc vàng lung linh.

Đây cũng là thời điểm người dân đi tìm bắt những kén sâu này về chế biến thành những món ăn, đặc biệt sâu và nhộng sâu muồng đã trở thành món ăn quen thuộc dân dã mà béo ngậy được nhiều người ưa thích. Hàng ngày một số người đã bỏ công sức đi bắt những “giặc cây” này đem về chế biến thành những món ăn. Chị H’Tươi, một người chuyên chế biến món sâu muồng rang cho đám thanh niên trong làng làm mồi nhậu cho biết: “Sau khi mang sâu về, bắc một cái chảo lên bếp lửa. Để chảo thật nóng rồi đổ bịch sâu vào làm cái “xèo”, sau đó lấy đũa đảo sâu cho chín thật vàng, rắc một ít muối ớt chỉ thiên giã nhỏ, thế là có thể mang ra... đánh chén một cách ngon lành! Lúc đầu khi mới ăn sâu không quen lắm nhưng sau này ăn nhiều đâm ra nghiền. Có khi một thời gian dài không được ăn sâu lại thèm vì không phải mùa nào cũng có sâu nhiều như vậy. Giống sâu này chỉ có nhiều vào đầu mùa mưa, đến cuối mùa mưa vòng đời sinh nở của nó cũng hết và phải đợi đến mùa mưa năm sau!”. Vừa giảng giải, chị H’Tươi vừa nếm thử một chú sâu rang vàng ruộm. Nhìn chị ăn ngon lành mà phát thèm, nhưng không nén được cảm giác hơi sợ. Theo chị H’Tươi từ lâu nay người dân vẫn dùng món này ăn vào để tránh được bệnh sốt rét. 

“Đặc sản” sâu

Vào thời gian này mỗi khi rảnh rỗi nhiều người dân trong làng Dei Go lại cùng những chiếc rổ nhựa, vài cái gậy đi đến những cây muồng bắt sâu đem về ăn. Sâu nhiều đến nỗi đi bắt chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đã đầy một rổ nhỏ. Anh bạn đi bên tôi thủ thỉ rằng không khéo về sau loài sâu này lại là đặc sản của nhà hàng không biết chừng. Lúc ấy người sẽ không còn sợ sâu nữa mà sâu lại phải sợ người. 

Già làng Siu Chăm của làng Dei Go giảng giải rằng ngoài việc trở thành món ăn đặc biệt và độc đáo của làng, thì sâu muồng còn đem lại thu nhập cho nhiều gia đình người dân địa phương bằng việc bắt kén sâu bán cho các quán nhậu. Hàng ngày một số người đã bỏ công sức đi bắt những “giặc cây” này đem về chế biến thành những món ăn và bán lại cho một số quán nhậu trong xã. Có nhiều cách chế biến món sâu. Ai thích cảm giác mạnh thì ăn sống, ai thích cảm nhận hương vị bùi, béo ngậy của nó thì chiên lên rồi dùng mắm xào, ai thích ăn theo kiểu luộc thì sẽ cảm nhận hương vị béo núc của nó. Tôi hỏi mọi người về chuyện đồn đại người làng ăn sâu sống. Một người đàn ông trung niên cười: “Thật đó chứ không phải chuyện đùa đâu. Sâu sống ăn cũng được, nhưng phải là người có bụng dạ thật tốt mới chịu được, còn không thì bị “Tào Tháo sâu” đuổi chạy có cờ trong vài phút ngay. Vì trong loài sâu này có chất gì đó, có người hợp thì ăn sống được, có người không hợp thì thôi kẻo đau bụng!”. Và như để chứng minh, người đàn ông này bắt chú sâu đang cong mình chạy trốn bỏ vào miệng nhai ráu ráu. 

Sau vòng đời chuyển hóa trong thời gian ngắn ngủi từ “bướm - trứng - sâu - nhộng”, những con nhộng của sâu muồng dần tiến hóa thành những cánh bướm vàng xinh đẹp bay rợp cả vùng trời Tây Nguyên trong nắng vàng, đẹp mê ly. Vào mùa này, ở Tây Nguyên đang là mùa sâu muồng, mùa bướm vàng bay rợp trời. Và nếu có gan, hãy thử một lần thưởng thức món sâu muồng đặc sản của làng Dei Go này.