Kỳ diệu Cuba

ANTĐ - Trung tâm miễn dịch phân tử Cuba (CIM) cho biết sẽ sản xuất đại trà loại vaccine duy nhất hiện nay trên thế giới hỗ trợ điều trị ung thư phổi. Lại thêm một bằng chứng cho thấy trình độ y học siêu đẳng của nền y học Cuba.

Đây là loại vaccine hỗ trợ điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn đầu tiên được đăng ký trên thế giới, là thành quả 15 năm nghiên cứu công phu của các nhà khoa học Cuba. Có tên thương mại CIMAVAX-EGF, loại vaccine này cho phép kiểm soát ung thư phổi ở giai đoạn cuối bằng cách tạo ra các kháng thể chống lại các chất protein trong cơ thể có chức năng hỗ trợ sự phát triển không kiểm soát được của các tế bào ung thư, nhờ vậy mà biến bệnh ung thư phổi thành một căn bệnh mãn tính với người bệnh.

Thông tin trên nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới y học thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thành tựu y học đáng khâm phục này đạt được trong bối cảnh Cuba đang bị bóp nghẹt bởi lệnh bao vây, cấm vận của Mỹ. Lâu nay, Cuba được biết đến như cường quốc y học. Các bác sĩ Cuba đã thực hiện phẫu thuật động mạch vành từ năm 1964, ghép tủy xương và gan vào 1985, ghép dây thần kinh trị bệnh Parkinson vào năm 1987. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên phát triển và tung ra thị trường vaccine viêm màng não B, sau đó là vaccine viêm gan siêu vi B.

Đánh giá về trình độ y học của Cuba, bác sĩ David Hickey, nhà phẫu thuật ghép tạng hàng đầu của Ireland đang công tác tại bệnh viện Beaumont ở Dublin, cho rằng Cuba dẫn đầu thế giới về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu căn cứ trên nền y tế dự phòng hiệu quả. Ông thừa nhận mình không còn gì hơn để dạy cho các bác sĩ Cuba về cấy ghép tim, thận, tụy dù ông được phong hàm giáo sư danh dự của Đại học Havana.

Nếu xét về mức độ chi phí, Cuba thua xa so với nhiều nước khác. Chẳng hạn, chi phí y tế trên mỗi đầu người ở Anh là 2.389 USD/người, trong khi ở Cuba chỉ bằng 1/10. Các bệnh viện ở Cuba kém về trang bị vật chất, ấy thế nhưng hệ thống y tế do chính phủ của Cuba đạt những kết quả có thể sánh ngang với các nước giàu.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), về sức khỏe cộng đồng, Cuba đạt những chỉ số ngang tầm với Mỹ. Số lượng trẻ em Cuba chết dưới 5 tuổi là 7/1.000, trong khi tỉ lệ tương ứng của Mỹ là 8/1.000.  

Không chỉ quan tâm đến sức khỏe người dân trong nước, các bác sĩ Cuba còn đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Đội ngũ y tế nước này đã tham gia chữa trị 19 nghìn nạn nhân trong tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986 tại Ukraine. Họ cũng thường xuyên có mặt tại những nơi bị thiên tai như trận sóng thần năm 2004 tại vùng Ấn Độ Dương và động đất ở Pakistan năm 2005. Báo Vũ trụ của Mexico đã đánh giá “Ngoại giao chữa bệnh đã trở thành hòn đá tảng của chính sách đối ngoại và viện trợ đối ngoại của Cuba sau khi cách mạng thành công”.

Giải thích cho những điều kỳ diệu trên, các chuyên gia y tế thừa nhận đây là thành quả của mô hình y tế ưu việt trên “hòn đảo tự do” nhờ làm tốt công tác y tế dự phòng và đầu tư mạnh vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân (Cuba hiện có 73 nghìn bác sĩ phục vụ cho trên 11 triệu người, nếu tính theo số lượng bác sĩ trên đầu người, tỉ lệ này cao gấp đôi nước Mỹ). Nếu như không bị bao vây cấm vận, hệ thống y tế vượt bậc, nổi tiếng trên toàn thế giới của Cuba có thể còn làm thêm nhiều điều kỳ diệu khác.