Kỳ 2: Những sinh linh “không có số làm người”

ANTĐ - Tại "nghĩa trang thiếu nhi" chúng tôi vô cùng bàng hoàng, rợn người và đôi lúc không kìm được nước mắt vì nơi đây “chôn” vô vàn những sinh linh không có số làm người....
 


Nỗi lòng của những “người mẹ trẻ”

Con yêu của Mẹ, hôm nay cuối cùng Mẹ cũng đã tìm được cho con 1 căn nhà. Con ở đây ngoan với các anh chị nha con. Mẹ sẽ thăm con mỗi ngày. Mẹ yêu con!”

Đó chỉ là một trong số ít tâm sự của những ông bố, bà mẹ với đứa con không được phép chào đời tại nghĩa trang cho thiếu nhi. Ở đó, có vô vàn lý do được đưa ra để lý giải cho việc từ bỏ quyền làm mẹ, nhưng, phần lớn là do các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm sống, chưa “đủ can đảm” để sinh con vì “mẹ vẫn đang đi học, mẹ không thể sinh con ra lúc này”, bởi “nếu mẹ sinh con thì cuộc đời của ba, mẹ và của cả con nữa, sẽ đi về đâu?”

Những giọt nước mắt muộn màng trước “quyết định sai lầm” khi mà lẽ ra đứa trẻ đó sẽ được “nô đùa, nghịch ngợm như bao đứa trẻ khác” nhưng “bố mẹ đã tước đi cái quyền đó”. Bởi những người mẹ trẻ này “không đủ can đảm để cho con được nhìn thấy mặt trời” và “những giọt nước mắt cứ rơi mãi không thôi”, đó có lẽ là “giọt nước mắt ân hận” của những người mẹ mới chỉ mười tám, đôi mươi: “mẹ thật ngốc khi để con ra đi, mẹ tồi tệ quá phải không con”. Và mong ước “nếu như đủ tuổi thì mama sẽ không bao giờ phải làm điều này”.

Để rồi day dứt thấy mình là “một trong hàng ngàn người mẹ nhẫn tâm” từ bỏ con và mong muốn “con có một cuộc sống tốt đẹp hơn” nhưng, tất cả những điều đó chỉ là “ngụy biện” trước “lỗi lầm quá lớn” của mình. Và rồi những ông bố bà mẹ này “mong con hiểu và tha thứ”.

 

Và của những ông bố

Thiên Tuấn Ah! Bố Và Mẹ rất yêu con yêu nhiều lắm dù Bố Mẹ chưa thể ôm con vào lòng nhưng con mãi là tất cã những gì quý báu nhất mà cuộc đời mang đến của bố mẹ! Bố vẫn mãi hy vọng con một lần nữa sẽ trở về với Bố và Mẹ , Bố và Mẹ sẽ không để mất con lần nữa”.

Mấy ai có thể biết được những dòng tâm sự này là của một chàng trai mới 20 tuổi, nhưng với cư dân mạng thì chẳng mấy ai còn lạ lẫm, nhất là với những thành viên của diễn đàn nhomai.vn. Cách thể hiện tình cảm của những ông bố này không khác gì những bà mẹ trẻ “ Bé yêu ah, con có khoẻ không? Bố mẹ nhớ con lắm. Hãy ở bên Bố Mẹ nha con yêu!” hay “Con ah Bố vào thăm Con nè”. Và cũng yếu đuối chẳng kém “lâu rồi Bố không được gặp con bố nhớ con lắm!”, “Bố ăn cơm đây con ăn cơm với Bố nha con, Bố ăn cơm một mình không có Mẹ con ăn cùng Bố buồn lắm, ăn cơm với Bố...!”

Nhiều khi đó là một lời nguyện cầu “sáng nay Mẹ con đi thi đó con ah. Con phù hộ cho Mẹ con làm bài tốt nha” hay “Con yêu ah ! Bố tìm việc cả tuần nay rồi mà chưa tìm được việc phù hợp với Bố con giúp Bố nghe con…!” những điều mà các chàng trai thường ít thể hiện trong cuộc sống thường ngày.

Vẫn chỉ là những cô bé, cậu bé

Phút trải lòng qua đi, họ, những “ông bố, bà mẹ” lại trở về với tuổi trẻ của mình với những tâm sự thật hồn nhiên “mama đợi riết mà ko thấy baba con lên mạng, hem bik (không biết) baba làm gì nữa, pé Sun gọi baba lên mạng cho mama đi con, mama nhớ baba quá đi, baba này hư quá, từ bữa tới giờ ko zô thăm con, mama phải đập baba một trận mới được”. Những vui buồn, giận hờn cũng được những ông bố, bà mẹ trẻ mang ra chia sẻ.

Có lúc tỏ ra người lớn, ý thức được hành động của mình “con yêu ! hum nay mama đi học đã làm chuyện mà mama ko nên lèm (làm), mama đánh nhau, mama xấu quá phải ko con yêu, mama đánh người ta mama chỉ sợ người ta đánh trúng con thôi, hiz...” nhưng rồi “con phù hộ cho mama, để con nhỏ bị mama đánh nó ko méc (mách) cô, nó mà méc cô là mama chết, baba mà bjk zụ này (biết vụ này) thì mama sẽ bị chửi te tua cho coi. hiz...” Cả những câu chuyện không dám kể, dám chia sẻ cùng ai để rồi tìm đến những ngôi mộ ảo của đứa con mình vứt bỏ, “dãi bày tâm sự”....

Những cảm xúc nghẹn ngào tại nghĩa trang cho thiếu nhi dần chuyển thành những cảm xúc nhẹ nhàng và có phần ngạc nhiên khi chúng tôi bước vào thăm những ngôi mộ mà chính chủ nhân của nó tự xây để chôn chính mình.

Kỳ tới: Tự đào mộ chôn chính mình