Kỳ 2: Đắng cay phận làm vợ

ANTĐ - Theo thống kê của Ủy ban DS-GĐ&TE Việt Nam, 97% nạn nhân trong các vụ bạo hành gia đình là phụ nữ. Họ phải chịu sự hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.
 

Chị Phan Thị M. (Vạn Phúc) đã chịu cảnh bị chồng “giam lỏng” hơn 2 năm nay. Lấy nhau được 3 năm nhưng cuộc sống của chị chưa lúc nào có được nụ cười trọn vẹn. Chỉ vì tính ghen tuông vô cớ, trong khi chị M. lại có chút nhan sắc nên từ khi lấy nhau đến nay, anh chồng chị thường xuyên cấm vợ ra ngoài một mình, kể cả khi đi chợ, về nhà mẹ đẻ. Thậm chí đi sang nhà hàng xóm chơi, chị cũng phải trình bày, giải thích đủ kiểu anh mới đồng ý, với điều kiện điện thoại di động của chị lúc nào cũng phải bật. Có lần, chị về nhà mẹ đẻ, dù đã xin phép chồng nhưng có việc đột xuất, anh gọi mà chiếc điện thoại của chị “lỡ” hết pin nên vừa bước chân về đến nhà anh bị chồng tát một cái nảy đom đóm mắt vì tội “cô dám hẹn hò với trai nói dối tôi rồi tắt máy”...

Không giống như hoàn cảnh của chị M., vợ chồng chị Nguyễn Thị T. lại thường xuyên xung đột, tranh cãi vì cuộc sống khó khăn. Anh chồng không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, lại thường xuyên nhậu nhẹt rồi về nhà gây chuyện với vợ con. Chị T. cho biết, hai vợ chồng chị đều là công nhân, đang ở trọ tại đường Tam Trinh, Hà Nội. Do cuối tháng chưa lĩnh lương, tiền hai vợ chồng dành dụm được mỗi tháng đều gửi về quê cho ông bà nuôi cháu, nên bữa cơm đôi khi chỉ có đậu rán và canh rau, khi thì chỉ rau muống và dưa cà. Có bữa, vừa dọn ra, anh bê cả mâm cơm hất đi rồi thẳng tay đánh chị, miệng không ngừng chửi rủa rằng: “có phải mày lấy tiền bao trai nên bắt tao ăn uống khổ thế này”.

Không chỉ nát rượu, nhiều chị em đã khổ sở vì chồng máu mê cờ bạc, bán cả tài sản, vật nuôi do công sức của vợ làm được, có người đi làm có tiền công cũng không góp với vợ để chi tiêu chung cho gia đình, lại đem nướng vào cờ  bạc. Hay một dạng bạo lực kinh tế khác là người vợ không được quản lý tiền, phải phụ thuộc vào chồng, như trường hợp của chị Lê Thu G., 40 tuổi, ở Hà Đông, làm nội trợ. Chị G. ngậm ngùi kể: “Tôi chỉ làm nội trợ, chăm sóc con cái nên tài chính trong gia đình chồng tôi cầm hết, tôi chỉ như là người làm thuê kiếm 2 bữa ăn trong ngày, ông ấy không cho tôi giữ tiền, một đồng cũng phải ngửa tay xin ông ấy, tôi thấy nhục lắm”.

 

Quản lý chi tiêu với vợ nhưng anh chồng của chị G. lại rất rộng rãi với bạn bè và thường xuyên vung tay khi chơi bời. Chị G. tâm sự: “Có những hôm ông ấy đi chơi với đám bạn đến 2, 3 giờ sáng mới mò về. Đi hát karaoke rồi chiêu đãi nhau ăn nhậu thì ông ấy không tiếc mà hơn một tuần trời rồi ông ấy không hề đưa cho tôi 1 xu mua thức ăn. Tôi không dám mở mồm ra nói ông ấy đưa tiền vì sợ ông ấy mắng, lại đành lôi chút tiền dành dụm được lo thức ăn cho con cái. Có hôm không có tiền mới xin chồng cho tiền để mua thuốc vậy mà ông ấy văng tục chửi tôi không ra gì”.

Bạo lực kinh tế còn thể hiện ở việc chồng coi thường vợ không có công ăn việc làm, hay người chồng đi vay mượn tiền nhưng người vợ phải gánh hậu quả trả nợ. Gặp chị M., 42 tuổi, quê ở Quảng Ninh tại Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ, thuộc Bệnh viện Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội, chị chua chát tâm sự: “Cách đây mấy tháng, chồng tôi tự ý lấy sổ đỏ đi thế chấp để vay tiền làm ăn mà không nói gì với tôi. Mãi sau tôi mới biết. Tôi nghĩ là: thôi thì nhỡ có ly hôn mà phải trả nợ thì tôi chỉ chịu phần vay ngân hàng bằng sổ đỏ thôi còn các khỏan nợ khác của ông ấy thì tôi không phải chịu. Vậy mà mọi khỏan nợ của ông ý giờ tôi phải làm cật lực để trả nợ. Không những thế, tiền chi tiêu hàng ngày ông ấy vẫn xin của tôi, không cho là ông ấy đánh không thương tiếc”...

Những câu chuyện như trên chỉ là một trong 1.001 câu chuyện về bạo hành đối với chị em.Tại Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ thuộc BV Đức Giang, chúng tôi còn nghe được nhiều câu chuyện nữa. Nạn nhân không chỉ bó hẹp ở những phụ nữ chân yếu tay mềm mà còn có cả những người đàn ông vốn được xem là trụ cột của gia đình.

Kỳ tới: Khi người đàn ông khóc