Kỳ 2: Bí ẩn rừng ma Pa Roi

ANTĐ - Sát ngay dòng sông Sê Pôn hùng vĩ, cánh rừng ma của người dân bản Pa Roi, xã A Dơi (Hướng Hóa, Quảng Trị) nằm im lìm, ngàn đời nay vẫn vậy. 

Bất khả xâm phạm                
                                                                               

Mỗi dòng họ của người Vân Kiều ở đây có một cách bày tỏ sự thành kính của mình đối với người chết khác nhau. Chuyện thờ cúng đối với người dân bản Pa Roi không quan trọng. Không có bất kỳ một sự ràng buộc “trách nhiệm” thờ cúng nào giữa người sống và người chết.
Tiếp chúng tôi bên căn nhà sàn đã bạc phếch bởi nắng mưa quay lưng phía bờ suối, già làng Pả Chiến cho biết: “Sau khi chôn cất người chết xong, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ đó. Để tỏ lòng với người đã khuất, hàng năm đồng bào thường tổ chức cúng ma gọi hồn về một lần. Thời gian lễ cúng không cố định, chỉ khi nào “con lợn trong chuồng, con dê rẫy lớn” là tổ chức".

Việc cúng bái không bắt buộc phải đầy đủ lễ vật cho mọi gia đình trong bản. Tùy thuộc vào ý nguyện và điều kiện của từng nhà mà lễ vật cúng khác nhau. Nhà giàu có thì làm một bàn rượu, giết vài con dê hay bò. Còn nhà nghèo không cúng cũng được, chả sợ bị người chết “quỏ phạt” gì”. Trái ngược với việc cúng bái đơn giản, nơi chôn người chết đối với người Pa Roi là vô cùng linh thiêng với nhiều điều cấm kỵ nghiêm ngặt. Với người Pa Roi cánh rừng ma là bất khả xâm phạm. Không ai được chặt phá rừng dù với lý do gì.        

Một ngôi mộ nằm cạnh bên cây cổ thụ bây giờ đã mục ruỗng

                                                                          
Chỉ tay về cánh rừng ma của dòng họ mình, già làng Pả Chiến khẳng định chắc nịch: “Không có đứa nào dám đụng vào khu rừng của mình cả. Con cháu trong làng ngoài bản không ai bảo ai nhưng mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ khu rừng của dòng họ mình. Không những bảo vệ rừng ma của dòng họ mình mà mỗi người dân Pa Roi đều ý thức được không bao giờ chặt phá rừng của dòng họ khác”. Đó là luật có từ ngàn đời nay, không ai được phép quên, Pả Chiến cho biết thêm. 
Theo những người người cao niên bản Pa Roi thì từ xưa đến nay ít ai dám đụng tay vào các khu rừng dọc con sông Sê Pôn. Việc chặt phá rừng ở đây hết sức kiêng kỵ. Luật nghiêm cấm mọi người chặt phá rừng dưới bất cứ hình thức nào. Dù chặt một cây hay chặt trăm cây cũng bị phạt tội như nhau. Trừ một số trường hợp có du di nhằm giải quyết nhu cầu, đảm bảo cuộc sống của bà con. “Chỉ khi gia đình nào trong bản muốn làm nhà hay có việc gì chính đáng cần muốn xin gỗ thì phải đến xin ý trưởng bản. Với những trường hợp chính đáng thì bao giờ già làng cũng đồng ý ngay” - Hồ Văn Thanh, một người dân bản Pa Roi nói.      

Những phiến đá này là mộ của những người chết tại rừng ma

Người Vân Kiều từ xưa đến nay quan niệm rằng ngôi mộ của người chết là chốn linh thiêng, cần có sự yên ổn cho nên không ai được đào bới, cải táng. Xuyên qua những cánh rừng ma, chúng tôi bắt gặp hàng trăm ngôi mộ bị mưa rừng xói lở hoặc bị thú đào bới tanh bành. Nhiều dân bản Pa Roi lý giải: “Dù biết những ngôi mộ của bà con mình bị xói lở nhưng dân bản cũng không thể đắp lại. Luật ở bản đã quy định rồi, để người chết được yên không ai được dọn dẹp, xây dựng gì ở phần mộ đó cả".

Luật nghiêm cấm như vậy nhưng theo già làng Pả Chiêng thì trong những trường hợp cần thiết vì lợi ích cộng đồng như làm đường, xây công trình công cộng... thì chủ nhân của ngôi mộ cũng có thể đồng ý cho cải táng. Muốn cải táng phải nhờ già làng đứng ra sắm lễ mang đi cúng bái để xin con ma rừng cho “dời nhà”...
Chặt rừng không xin phép sẽ bị “thần phạt”                                                 
Chặt phá rừng là điều cấm kỵ mà dân bản ai cũng biết. Nhưng lâu lâu cũng có người tự ý vào phá rừng. Già làng Pả Chiêng nói trước đây làng có hai người do tự ý vào rừng chặt cây mà không xin phép bằng lễ cúng nên sau đó đã bị điên. Chuyện bản Pa Roi kể rằng cách đây hơn mười mùa rẫy, một thanh niên đã tự tiện vô rừng chặt phá.

Người đó tên là Hồ Văn Thoi, ở ngoài trung tâm xã A Dơi. Chặt cây gỗ xong, Thoi khiêng cây gỗ về đến cửa nhà thì đột nhiên té xỉu. Sau đó, Thoi phát bệnh kêu là đau đớn rồi nằm liệt giường suốt mấy năm. “Trước đây, Thoi là một chàng trai lực lưỡng, là ước mơ của bao cô gái ở vùng này. Do Thoi động đến rừng ma mà không xin phép làm lễ cúng xin phép thần nên bị bắt đau. Sau khi biết Thoi bị thần phạt, gia đình đã mấy lần giết trâu bò làm cơm rượu cúng bái nhưng vẫn không khỏi”, nhiều dân bản kể lại. 

Đây trước kia cũng là một ngôi mộ nhưng đã bị heo rừng cày xới

Già làng Pả Chiến kể, mới cách đây gần 10 năm có một đám thanh niên mặt mày bặm trợn chạy vào đây phá rừng. Sau khi vào rừng mới hạ được vài cây thì có ba, bốn tên thấy choáng váng rồi ngã quỵ. Quá sợ hãi, bọn chúng nhanh chóng rút lui. Nghe lời dân bản họ làm lễ vật cúng rừng trả nợ mới khỏi bệnh. Từ đó đến nay cánh rừng Pa Roi chưa bao giờ bị xâm phạm. Do không bị tác động bởi bàn tay của con người nên các khu rừng chạy dọc dòng Se Pon xanh bạt ngàn. Trong rừng có nhiều cây gỗ thuộc loại quý hiếm, hàng ngàn cây cổ thụ cao sừng sững.
                                                                           
Thiếu tá Trần Văn Xuân, cán bộ Trạm biên phòng Pa Roi nói: “Sở dĩ dọc khu vực biên giới bên sông Sê Pôn còn giữ được những khu rừng xanh tốt là nhờ “luật” rừng ma đã đi vào ý thức của dân bản. Ở trong các khu rừng này hầu như không có chuyện người dân tự ý vào phá rừng. Nhờ uy tín của người đứng đầu bản nên công tác kết hợp vận động người dân tham gia bảo vệ rừng rất tốt. Ai cũng muốn giữ bằng được những cánh rừng của bản”.