Kinh tế Việt Nam vẫn “thoát hiểm” dù gặp khó vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tờ Le Figaro của Pháp số ra mới đây đăng bài viết đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.
Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020, mặc dù gặp khó vì Covid-19

Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020, mặc dù gặp khó vì Covid-19

Theo Le Figaro, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020, mặc dù những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sụt giảm xuống còn 2,9%, từ mức 7% ghi nhận trong năm 2019. Tuy nhiên, Việt Nam hầu như đã xóa được tình trạng bần cùng trong dân số, từ mức 50% trong năm 1990, xuống còn 2% hiện nay và đang hưởng lợi từ chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, với công nghiệp chiếm 39% hoạt động và dịch vụ chiếm 47%. Việt Nam đã mở cửa mạnh mẽ với quốc tế bằng cách gia nhập nhiều cơ chế thương mại tự do. Một ví dụ gần đây là thỏa thuận ký kết vào tháng 7-2020 với Liên minh châu Âu (EU), theo đó sẽ xóa bỏ hầu như tất cả các loại thuế quan giữa Việt Nam và EU trong vòng 10 năm.

Báo trên cũng cho rằng thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam rất đáng tự hào và đã khá thành công khi chỉ có 35 trường hợp tử vong trên đất nước gần 100 triệu dân. Một loạt các biện pháp mạnh mẽ và nhanh, kịp thời được Chính phủ Việt Nam đưa ra như cách ly hàng loạt, truy vết lây nhiễm trên quy mô lớn và kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển, đã cho phép các nhà máy tại Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động và công nhân sớm trở lại làm việc.

Theo Le Figaro, khó khăn trong năm qua đối với Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng dệt may và điện thoại thông minh bị đình trệ do nhu cầu từ thị trường phương Tây giảm và ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù vậy, ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn chống đỡ được, đặc biệt là nhờ lĩnh vực máy tính.

Trong khi đó, tờ Nikkei Asia của Nhật Bản cũng nêu bật thành quả chống Covid-19 của Việt Nam. Theo Nikkei Asia, trong bối cảnh thế giới vẫn đang vật lộn để kiểm soát đại dịch Covid-19, đang có chiều hướng gia tăng mạnh tại nhiều nước, Việt Nam cùng với Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore đã trở thành nhóm “bộ ba” tại châu Á thành công trong việc kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. “Bộ ba" này là những câu chuyện thành công hiếm hoi về kiềm chế lây nhiễm cộng đồng thông qua xét nghiệm và cách ly nghiêm ngặt.

Tại Việt Nam, thành công này có được là do chính phủ đã triển khai mạnh mẽ những biện pháp nghiêm ngặt. Ngoài việc cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh, Việt Nam còn minh bạch thông tin liên quan đến người nhiễm mới, qua đó giúp đẩy nhanh việc truy vết các tiếp xúc của người nhiễm. Tại Đài Loan (Trung Quốc), những người vi phạm sẽ phải đối diện với khoản tiền phạt lên đến 1 triệu Đài tệ (hơn 37.800 USD) theo quy định mà vùng lãnh thổ này áp dụng từ tháng 2-2020. Công dân có xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh sẽ buộc phải nhập viện, chi phí điều trị sẽ do chính quyền chi trả, chứ không được tự điều trị ở nhà.

Tại Singapore, sau khi nhiều ổ dịch bùng phát trong nhóm đối tượng lao động di cư, trong nhiều ngày gần đây, đảo quốc này đã kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và đưa về mức gần 0. Đây là hiệu quả tích cực của việc xét nghiệm trên diện rộng và truy vết ráo riết. Với dân số khoảng 5,7 triệu người, Singapore đã xét nghiệm trên 5,4 triệu ca. Chính quyền cũng yêu cầu xét nghiệm hai tuần/lần với người lao động nước ngoài cư trú tại những khu ký túc. Khoảng 80% dân số Singapore đã cài đặt các ứng dụng truy vết tiếp xúc.