Kinh tế Việt Nam: Nhanh nhất ASEAN, điểm sáng của châu Á

ANTD.VN - Việt Nam đang là điểm sáng kinh tế của không chỉ Đông Nam Á mà còn là của châu Á khi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, trong khi khu vực đều có sự suy giảm do những tác động không thuận từ kinh tế toàn cầu. Thành tựu ấn tượng đó là do Việt Nam đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, để trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Với những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam trở thành điểm sáng của kinh tế châu Á khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao 

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong ấn bản bổ sung báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2019 công bố hồi tháng 9 đã giảm dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm 2019 và 2020 với lý do: 2 nền kinh tế hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ cùng giảm sút. Tuy nhiên, trong ấn bản đưa ra ngày 11-12, ADB lại ghi nhận và đánh giá cao nền kinh tế nước ta khi điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn so với hồi tháng 9.

Tăng trưởng nhanh nhất ASEAN

ADB dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực tăng 5,2% cho cả năm 2019 và 2020. Mức tăng trưởng này giảm so với con số dự báo do chính ADB đưa ra hồi tháng 9 vừa qua là 5,4% cho năm nay và 5,5% vào năm sau. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ADB phải hạ thấp dự báo tăng trưởng do sự suy giảm của 2 nền kinh tế khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Theo đó, tăng trưởng của Trung Quốc hiện được dự kiến đạt 6,1% trong năm nay và 5,8% trong năm tới, do căng thẳng thương mại với Mỹ và tình trạng suy giảm hoạt động toàn cầu, kết hợp với nhu cầu nội địa suy yếu khi ngân sách của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Trước đó, hồi tháng 9, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,2% trong năm 2019 và 6,0% vào năm 2020. Tăng trưởng của Ấn Độ hiện được dự báo đạt mức thấp hơn là 5,1% trong năm tài khóa 2019 và 6,5% trong năm tài khóa 2020, đều thấp hơn so với dự báo đưa ra tháng 9 là 6,5% trong năm nay và 7,2% vào năm tới.

Trái với bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế khu vực, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi khi “ngược chiều” đà suy giảm chung. ADB đánh giá, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2019 đã đạt 7,0%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Tiêu dùng cá nhân đã tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong quý III, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong quý VI và sang năm sau. Vì thế, ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho Việt Nam trong năm nay và năm 2020 lần lượt là 6,9% và 6,8%, tăng so với dự đoán đưa ra hồi tháng 9 là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% vào năm 2020.

Không chỉ ADB, nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế cũng đánh giá tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam. Hãng tin kinh tế Bloomberg cho biết, các chuyên gia kinh tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7% trong quý III vừa qua. Theo đó, Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tin tưởng, Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm nay với tốc độ dự kiến đạt 6,9% và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2021.

“Quả ngọt” từ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Nhìn nhận về nguyên nhân nền kinh tế Việt Nam tiếp tục bật tăng trái chiều với sự suy giảm chung của kinh tế khu vực, Tuần san News and World Report nhìn nhận, từ khi thực hiện công cuộc cải cách “Đổi mới”, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, phần lớn nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đánh giá của News and World Report căn cứ kết quả của một cuộc khảo sát lấy ý kiến từ 7.000 nhà hoạch định kinh doanh và dựa trên 8 tiêu chí: kinh tế ổn định, môi trường thuế thuận lợi, lực lượng lao động lành nghề, năng lực công nghệ, tinh thần doanh nghiệp, sự đổi mới, năng động và vấn đề tham nhũng. Chung sự nhìn nhận, các chuyên gia kinh tế của Maybank đánh giá, FDI gia tăng và nhu cầu nội địa tăng cao, thể hiện qua mức tăng trưởng bán lẻ mạnh mẽ gần đây giúp duy trì đà phát triển của kinh tế Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm sau. 

ADB ghi nhận, những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây được cải thiện đã kích thích đầu tư tư nhân. Theo định chế tài chính lớn nhất châu Á này, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư.

Cùng với những đánh giá của các tổ chức, chuyên gia kinh tế thế giới, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2019 cũng đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm), giúp Việt Nam tăng 10 bậc trong lĩnh vực này, từ vị trí 77 lên vị trí 67. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch tăng 4 bậc (từ vị trí 67 lên vị trí 63). Các bộ, ngành của Việt Nam đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia chủ động, tích cực hơn để cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Duy trì cải cách để vượt qua thách thức

Bên cạnh đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, các tổ chức và chuyên gia kinh tế quốc tế cũng lưu ý Việt Nam về những rủi ro trong tương lai. ADB khuyến cáo, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một số rủi ro, trong đó nổi lên là sự căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm, tạo ra nhiều biến động đối với thị trường tài chính quốc tế. Theo ADB, điều này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh và đi vào chiều sâu hơn trong việc cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh để tăng trưởng bền vững, không dựa quá nhiều vào tăng trưởng vốn đầu tư, vốn FDI và xuất khẩu. Bởi hiện mô hình tăng trưởng vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét, vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%).

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc và nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Vì thế, Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi trong thời gian tới là: Nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới; tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, từ xu thế phát triển khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Tiếp tục các nỗ lực cải cách, Việt Nam sẽ vượt qua những rủi ro, thách thức để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu ở châu Á. Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, NCIF đánh giá, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Và với kết quả tăng trưởng này, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.