Kinh tế Việt Nam năm 2021: Vị thế, đà phục hồi và tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù bối cảnh kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19 còn nhiều bất định song những thành tựu và kinh nghiệm quan trọng trong năm 2020 đã giúp Việt Nam bước vào năm 2021 với nhiều lạc quan.
Việt Nam duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định và nằm trong nhóm các nước châu Á phục hồi sớm trong bối cảnh Covid-19 giúp kinh tế có đà tăng trưởng trong năm 2021

Việt Nam duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định và nằm trong nhóm các nước châu Á phục hồi sớm trong bối cảnh Covid-19 giúp kinh tế có đà tăng trưởng trong năm 2021

Hai kịch bản tiến triển của nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định và nằm trong nhóm các nước châu Á phục hồi sớm trong bối cảnh Covid-19. Thêm vào đó dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô vẫn được giữ gìn và củng cố. Điều này giúp tăng trưởng kinh tế có đà phục hồi, đồng thời những yếu tố trên giúp cho niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư có sự chuyển biến tích cực.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản được dựa trên các đánh giá của các cơ quan tổ chức về triển vọng kinh tế thế giới, tiến triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng sử dụng một số công cụ chính sách kinh tế trong nước.

Cụ thể:

- Kịch bản thứ nhất, đặt ra bối cảnh GDP của thế giới đạt tăng trưởng 4%/năm và chỉ số giá của Mỹ tăng 1,924%; giá hàng nông sản xuất khẩu tăng khoảng 12,6%, giá dầu thô thế giới tăng 11,4%. Trong nước, tỷ giá VNĐ/USD của ngân hàng thương mại giảm 0,5%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% và dư nợ tín dụng tăng 12%... Bên cạnh đó, vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 2% so với năm 2020 và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức 420.000 tỷ đồng.

- Kịch bản thứ hai, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản một, đồng thời có điều chỉnh về giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 15%, giá dầu thô thế giới tăng 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14%, tín dụng tăng 13%, vốn thực hiện của khu vực FDI tăng 5% và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức 477.300 tỷ đồng.

Theo đó, dự báo cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản một và 6,46% trong kịch bản hai. Theo hai kịch bản lần lượt xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% và tăng 5,06%. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD, đồng thời lạm phát bình quân năm lần lượt đạt 3,51% và 3,78%. Ngoài ra, báo cáo của CIEM có chỉ ra một số tác động đến diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021, như kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro.

Thêm vào đó dịch Covid-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát kéo theo việc nhiều nền kinh tế sẽ tung ra các gói hỗ trợ quy mô lớn trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu. Điều này có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Ngoài ra, Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường nội địa. Do đó, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Cải cách sâu rộng nền tảng kinh tế vi mô

Dựa trên kết quả dự báo, nhóm phân tích của CIEM nhấn mạnh bộ máy điều hành mới của Chính phủ sẽ sớm được thiết lập, đưa Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với cải cách trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong bối cảnh ấy, bên cạnh việc xử lý các vấn đề ngắn hạn ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, Việt Nam cần khẩn trương tiến hành các cải cách sâu rộng hơn về nền tảng kinh tế vi mô, hệ thống pháp lý nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong các năm tiếp theo, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn diễn ra sâu rộng. Việt Nam đã thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng như CPTPP, EVFTA và sẽ cần nhiều nỗ lực để nghiên cứu định hướng cũng như thời điểm phê chuẩn RCEP. Và, việc thúc đẩy vai trò của ASEAN trong bối cảnh mới, gắn với các sáng kiến mang tính cạnh tranh giữa các siêu cường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dịch chuyển dòng vốn FDI, đây là một yêu cầu quan trọng và không dễ dàng.

Do đó, CIEM kiến nghị các cấp quản lý và điều hành chính sách nhìn nhận quá trình hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đi kèm với việc cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường và nguồn lực mà còn phải chủ động thực hiện các cam kết sâu rộng hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư (kể cả sau đường biên giới), hướng tới một luật chơi chung có chất lượng, nhất quán và thân thiện với doanh nghiệp sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các cải cách nền tảng kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân có thể tin vào tiềm năng của Việt Nam trong quá trình hội nhập, song các tiềm năng ấy chỉ trở thành triển vọng và hiện thực hóa trong một môi trường chính sách phù hợp. Do vậy, môi trường chính sách phải gắn với những thay đổi rõ ràng, nhất quán, phù hợp với các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển của Việt Nam đồng thời thể hiện sự thân thiện, khích lệ và nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo thương mại thế giới sẽ tiếp tục phục hồi chậm, tăng trung bình khoảng 4,25% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2022. Một điểm đáng chú ý của đại dịch Covid-19 là sự phục hồi mạnh mẽ bất ngờ của một số nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á. Các giao dịch thương mại truyền thống đang tăng trở lại ở châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Đáng chú ý về sự phục hồi của châu Á là thương mại nội khối giữa các nền kinh tế thị trường mới trở thành động lực lớn cho sự phục hồi này.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Cơ hội tốt đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt ra khu vực và thế giới

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ hội tốt để Việt Nam đầu tư phát triển và đẩy mạnh chuỗi giá trị nông sản ra khu vực và thế giới. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị RCEP - Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường thế giới do Hiệp hội Trang trại Việt Nam tổ chức ngày 15-1-2021.

Năm 2020 cũng là năm mà Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định kinh tế quan trọng, đưa quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội được mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Hiệp định RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỷ USD).

Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại của RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới.

Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp phát triển kinh tế của các nước thành viên hiệp định; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các FTA nói chung và Hiệp định RCEP nói riêng cũng đặt ra không ít thách thức phải vượt qua.

Để tận dụng được các cơ hội về thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã cần đáp ứng một loạt những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn, do đó phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn.