Kinh tế Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định trong khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp những diễn biến bất lợi trên thế giới, kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2022 tiếp tục khởi sắc với nhiều chỉ số tích cực, được dư luận thế giới đánh giá cao.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 616 tỷ USD trong 10 tháng 2022

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 616 tỷ USD trong 10 tháng 2022

Hiếm thấy một đất nước ổn định như Việt Nam

Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề Tuần lễ cấp cao APEC năm 2022 ở Thái Lan, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực, tăng trưởng cao, có nền kinh tế mở, năng động, có sức chống chịu qua đại dịch Covid-19.

Theo bà Kristalina Georgieva, việc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các cải cách cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, sạch, bền vững, chú trọng năng lượng tái tạo và kinh tế số sẽ đem lại động lực mới cho kinh tế Việt Nam. Bà mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các chương trình nghị sự toàn cầu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo các chuỗi cung ứng.

Từ đầu năm đến nay, bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường. Tình trạng lạm phát cao và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới gia tăng, lãi suất, tỷ giá biến động mạnh. Cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng trở nên khó lường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp đó, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ tăng 2,89%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 616 tỷ USD, xuất siêu 9,4 tỷ USD; sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178,5 nghìn, tăng 38,3% so cùng kỳ; vốn FDI thực hiện 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%....

Những kết quả đó là cơ sở để IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay thêm 1 điểm % so với đầu năm, lên 7%. IMF đánh giá việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19, nhu cầu mạnh mẽ từ các đối tác thương mại, triển khai các chương trình phục hồi trong sản xuất, bán lẻ, dịch vụ, du lịch và kiểm soát tốt lạm phát... là những yếu tố giúp Việt Nam có tăng trưởng ấn tượng.

Còn ông Dominic Scriven, Chủ tịch điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital, dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 8% trong năm nay. Theo ông Dominic Scriven, đây là mức cao hiếm thấy trong bối cảnh 2022 là năm đặc biệt khó khăn không chỉ với Việt Nam mà trên toàn cầu. Ông đánh giá trong các nước Đông Nam Á, hiếm thấy một đất nước ổn định như Việt Nam.

Về nguyên nhân giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, ông Dominic Scriven cho rằng là nhờ vào sức mua tăng mạnh sau đại dịch Covid-19, cũng như sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt về ổn định chính trị xã hội, ổn định chính sách vĩ mô, chính sách kinh tế, chính sách đầu tư, sự cởi mở và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Các động lực bên trong của nền kinh tế Việt Nam tương đối cân đối, cân bằng và tương đối mạnh: từ sức cầu trong dân, sức mạnh của doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, khả năng cạnh tranh của Việt Nam tới các Hiệp định thương mại tự do giúp mở ra thị trường mới cho Việt Nam.

Ông Dominic Scriven cũng nhấn mạnh đến việc trong khi sự bất ổn trên toàn cầu chủ yếu là do khủng hoảng lương thực và năng lượng, Việt Nam dường như không chịu tác động quá lớn. Về lương thực, Việt Nam là một nhà sản xuất lớn và tương đối ổn định, mặc dù khó có thể kiểm soát đầy đủ giá cả và khối lượng cũng như khả năng hoạt động của các thị trường. Về năng lượng, Việt Nam có khả năng sản xuất năng lượng tương đối, trong khi lượng nhập khẩu xăng dầu không quá lớn so với quy mô của cả nền kinh tế.

Quan tâm 3 động lực tăng trưởng - tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vừa thông qua đã đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 - 6,0%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, việc thực hiện các mục tiêu trên đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol (Anh), Việt Nam khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dự báo còn khó khăn kéo dài trong nhiều tháng tới, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu sẽ chậm lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng khó duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng tiếp cận vốn do Việt Nam đang đối mặt với thách thức gia tăng chi phí sản xuất, trong khi lãi suất tăng mạnh gây áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất chung của nền kinh tế.

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn cho rằng Việt Nam cần sử dụng các công cụ chính sách tài khóa, cụ thể là đẩy mạnh chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp, đặc biệt là chi tiêu công trong các lĩnh vực như đầu tư phát triển hạ tầng, điện năng, chống biến đổi khí hậu... Ngoài ra, cần thúc đẩy cải cách thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển nhiều hơn để khởi nghiệp những mô hình mới tại lĩnh vực Fintech cũng như nhiều lĩnh vực khác. Điều này sẽ giúp dòng vốn lưu thông hiệu quả hơn, đồng thời đóng vai trò thử nghiệm đầu tư vào công nghệ mới để Việt Nam có thể bắt kịp thế giới.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital, chia sẻ mặc dù hiếm có nước nào thu hút được đầu tư nước ngoài cao so với GDP như Việt Nam, Việt Nam không nên chủ quan và cần tiếp tục cải thiện thị trường lao động, thị trường địa ốc, các quy định liên quan đến thương mại, thị thực và chuẩn mực kế toán… Ông chỉ ra cơ hội đối với Việt Nam trong bối cảnh các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang được cơ cấu lại và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang chú ý tới Việt Nam, hiện được coi là một trung tâm sản xuất cho thị trường châu Á.

Phát biểu tại phiên họp phiên thường kỳ tháng 10-2022 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong điều hành không được chuyển trạng thái một cách đột ngột mà theo quy luật thị trường; phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn; trong quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu phải đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu; bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu; đẩy nhanh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.