Kinh tế thế giới vẫn trong “vùng nguy hiểm”

ANTĐ - Mặc dù đã được hiến nhiều kế nhưng nguy cơ nền kinh tế thế giới đang nằm trong “vùng nguy hiểm” vẫn tiềm tàng, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF - bà Christine Lagarde nhận định khi tham dự Hội nghị Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Mexico.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại Hội nghị

Bà Lagarde cho biết các lý do dẫn đến cảnh báo này là tình trạng “hệ thống tài chính mong manh” của khu vực đồng euro, “mức nợ công cao tại hầu hết các nền kinh tế phát triển” và “giá dầu mỏ cao”. Tổng Giám đốc IMF nói thêm: “Sự phát triển kinh tế tại các nền kinh tế lớn vẫn còn yếu kém, trong khi đó các thị trường mới nổi thì chậm đi, nạn thất nghiệp đầy rẫy, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế phát triển”.

Trong hai ngày hội nghị 24 và 25-2, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G20 đã tập trung bàn thảo về các giải pháp nhằm tăng cường sự hỗ trợ tài chính giúp châu Âu đối phó với khủng hoảng nợ công. Tổng Giám đốc IMF nhận định kết quả phiên họp hôm chủ nhật vừa qua của 20 nền kinh tế mạnh nhất là “một bước chỉ dẫn đúng đắn” để thiết lập một “bức tường lửa” tại châu Âu để ngăn nợ công lan rộng trong khu vực. Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 cũng đã nhất trí trong một thông cáo rằng sẽ chờ cho đến khi châu Âu có thể làm mạnh “bức tường lửa” của mình, tức là khu vực này phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề nợ của chính mình trước khi các nước khác cấp thêm tiền cho IMF để giúp những nước trong vùng khủng hoảng này. Các quốc gia ngoài

eurozone sẽ hỗ trợ kinh phí giải cứu khủng hoảng nợ công châu Âu thông qua việc bơm thêm tiền cho IMF. Dự kiến kết quả sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng 4. IMF đang cố gắng huy động thêm 500 tỷ USD từ các nước thành viên để giải quyết khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro và việc này có thể cần đến sự hỗ trợ từ nhiều khu vực khác. Con số 500 tỷ USD là số liệu được phân tích chi tiết và kỹ lưỡng về nền kinh tế thế giới hiện tại, bà Largarde cho biết.