Kinh tế sẽ “ấm” dần

ANTĐ - Năm 2014 dường như tình hình kinh tế sẽ khá hơn, khi đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi với dự báo GDP sẽ tăng 5,8%. Sự thay đổi trong chính sách, từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu, theo giới chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, sẽ tạo dư địa cho việc thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ. Đặc biệt, dư nợ tín dụng và lãi suất giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất. Bởi vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 2 tháng đầu năm tăng thấp nhất trong 13 năm qua.

Những yếu tố gì đã làm cho CPI tháng 1-2 tăng thấp một cách bất thường? Trước hết là chi phí  đẩy, một yếu tố rất quan trọng của lạm phát. Giá xuất khẩu, nhập khẩu nhiều loại hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá USD tăng thấp, nên giá xuất nhập khẩu tính bằng VND giảm hoặc tăng thấp, khiến cho sức ép lạm phát trong nước giảm, thậm chí còn kéo giá một số mặt hàng giảm xuống. Yếu tố thứ hai là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy tăng cao hơn những tháng cuối năm ngoái, song vẫn còn thấp do lương thưởng của một số ngành thấp và do tâm lý “thắt lưng buộc bụng” của người dân còn lớn. Nhóm yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát là tốc độ tăng tiền gửi tiết kiệm năm 2013 cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, sang năm nay vẫn tiếp tục tăng.

Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước đã hút một lượng tiền không nhỏ qua thị trường mở. Việc tăng trưởng tín dụng cao dồn vào 2 tháng, nhất là cuối năm 2013, đã được “lái” một phần vào các kênh đầu tư khác, mà chưa dồn cho sản xuất kinh doanh trực tiếp. Phân tích diễn biến CPI trong 2 tháng qua và các yếu tố tác động trong thời gian tới, một số chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo và cảnh báo theo hai kịch bản. Cả năm nay CPI sẽ tăng thấp và có thể đây là năm thứ 3 CPI tăng thấp. Hai là, CPI sẽ tăng rất thấp, thậm chí có tháng còn giảm trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8. Hơn nữa, nếu dư nợ tín dụng tiếp tục giảm hoặc tăng thấp đến mức thiểu phát sẽ làm cho sản xuất kinh doanh trì trệ, thậm chí giảm phát thì doanh nghiệp còn tiếp tục bị ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất hoặc phá sản. Không chỉ đưa ra cảnh báo, giới chuyên gia còn đề xuất, hiện các ngân hàng thương mại đang dồi dào thanh khoản nên có thể giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm trong thời gian tới, với lãi suất vay ngắn hạn khoảng 9%/năm và trung dài hạn khoảng 11%/năm.

Chuyển từ lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu, kinh tế vĩ mô có thể giữ được ổn định mà không để tái lạm phát cao trong năm 2014. Với những nỗ lực “chèo lái” của Chính phủ trong điều hành chính sách vĩ mô, đâu đó đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi, gây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và giới doanh nghiệp. Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, kích thích thị trường, tín dụng ưu tiên 5 lĩnh vực… hy vọng kinh tế sẽ “ấm” dần lên.