Kinh tế năm 2013: Thách thức và cơ hội

ANTĐ - Năm 2012 đã khép lại, bên cạnh những thành tựu kinh tế vẫn còn đó bộn bề khó khăn. Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, năm 2013 sẽ mở ra những cơ hội mới nhưng những thách thức lớn cũng đang chờ đón. 

Chuyên gia kinh tế - TS.Vũ Đình Ánh: Chính sách tiền tệ phải linh hoạt hơn nữa

 
Nổi bật nhất của điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 là sự thận trọng và chủ động của phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặc dù bị áp lực rất nhiều từ các đơn vị sản xuất kinh doanh, từ nền sản xuất thực thậm chí là từ các cơ quan quản lý nhưng NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ rất thận trọng. 
Mặc dù tôi đánh giá cao sự thận trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012, tuy nhiên sang đến năm 2013 cùng với bối cảnh khó khăn về kinh tế thì chắc chắn chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt hơn nữa trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp để chống lại suy giảm kinh tế.
Cũng tương tự năm 2012, năm 2013 chúng ta phải khẳng định từ đầu, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tín dụng nói riêng không phải tập trung vào việc tăng tổng tín dụng cho nền kinh tế mà phải tập trung vào hiệu quả sử dụng và chất lượng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó kết hợp với cả vấn đề cơ cấu lại hệ thống cũng như xử lý nợ xấu.

Chuyên gia ngân hàng -TS.Nguyễn Trí Hiếu: Tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn

Tôi cho rằng, trong năm tới tỷ giá vẫn sẽ giữ ổn định bởi mức cầu của nền kinh tế chưa tăng, và sẽ không xảy
 
ra tình trạng nhập siêu nhiều, may mắn thì có thể xuất siêu nhưng cũng không nên quá lạc quan. Một vấn đề hé ra tia sáng trong năm tới cũng có thể dự báo là lãi suất, mặt bằng lãi suất sẽ được đẩy xuống giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh. Về lạm phát, nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức 1 con số, trong khi tăng trưởng có thể sẽ cao hơn so với năm 2012. Đó có thể coi là những điểm tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013.
Qua những hội thảo cũng như trao đổi với các doanh nghiệp, tôi cũng nhận thấy các doanh nghiệp chưa trang bị tốt những kiến thức về quản lý, từ quản lý thị trường cho đến quản lý tài chính. Đây cũng là điều tôi rất trăn trở. Còn rất nhiều lỗ hổng và các doanh nghiệp mắc phải lỗi lầm là công việc tới đâu làm tới đó, khó khăn tới đâu thì giải quyết tới đó chứ không có một kế hoạch, dự báo trong năm tới sẽ gặp phải những khó khăn nào và doanh nghiệp phải giải quyết những vấn đề gì. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Các doanh nghiệp sẽ tạo thêm lợi thế mới

 
Các thị trường vốn, đất đai, công nghệ, lao động được quan tâm phát triển đồng bộ. Việc phân bổ các nguồn lực sẽ được cải thiện theo hướng minh bạch, công bằng, hiệu quả hơn, từ đó tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực cho những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thực sự. Điều này giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh ở nước ta, tạo thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của mọi loại hình doanh nghiệp.
Nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào các định chế thương mại khu vực và toàn cầu, phát triển và hợp tác với nhiều nước khác nhau trên thế giới. Điều này tạo ra cho doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội lớn chưa từng có để mở rộng thị trường và tiếp cận với các nguồn lực trên thế giới. Qua hợp tác và cạnh tranh các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể phát huy tốt hơn lợi thế sẵn có và tạo thêm lợi thế mới, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của mình nhanh chóng và vững chắc hơn.
Trên cơ sở những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được qua gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã có nền tảng và điều kiện tốt hơn nhiều so với trước đây để phát triển doanh nghiệp. Trong xã hội, tầng lớp doanh nhân giành được sự quan tâm, thiện cảm hơn và kinh doanh trở thành một nghề rất được ưu chuộng, đặc biệt đối với lớp trẻ. Một đội ngũ doanh nhân trẻ, giàu ý chí kinh doanh, được đào tạo bài bản, có năng lực quản trị tốt đang hình thành sẽ là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam mà đất nước cần trong những năm tới.