Kinh tế khó khăn, dịch vụ ngại “chặt chém”

ANTĐ - Dường như đi ngược lại thông lệ của các năm trước, đợt nghỉ Tết Dương lịch này, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch chỉ tăng giá nhẹ. Chỉ có dịch vụ gửi xe vẫn đưa ra mức giá cao ngất ngưởng.

Các điểm trông giữ xe quanh khu vực hồ Gươm đều lấy tiền trông xe gấp nhiều lần ngày thường

Phòng nghỉ, ăn uống ít tăng giá

Trở về sau đợt nghỉ Tết Dương lịch 2013 tại Sài Gòn - Vũng Tàu, anh Hưng (Mỹ Đình- Từ Liêm) rất thoải mái vì vừa tránh được mấy ngày rét, vừa có dịp nghỉ ngơi, chi phí lại không tăng nhiều. “Bạn bè gàn không nên đi du lịch dịp này dài ngày vì nơi nào cũng đông khách, ăn uống, nghỉ ngơi không đến nơi đến chốn lại đắt đỏ nhưng năm nay tôi thấy dịch vụ khá ổn. Khách đông hơn ngày thường song không quá xô bồ. Vì thế dịch vụ phòng nghỉ, ăn uống chu đáo và không chặt chém”- anh Hưng cho biết.

Cùng chung nhận định này, chị Vân Anh (Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) phấn khởi: “Mới đầu tôi cũng e ngại đi nghỉ Tết Dương lịch nhưng sắp xếp mãi mới có dịp được nghỉ cùng gia đình nên vẫn quyết đi. Chuyến đi Nha Trang 4 ngày lần này, kế hoạch chi tiêu đảm bảo”. Chị Vân Anh đã đặt vé máy bay, phòng nghỉ trọn gói từ hồi tháng 7 với chi phí gần 15 triệu đồng cho gia đình 4 người, gồm 2 người lớn và 2 trẻ em. Chi phí đi lại, ăn uống, thăm thú vui chơi tại khu du lịch chỉ tốn hơn 5 triệu đồng nữa. 

Không lựa chọn chuyến du lịch xa dài ngày, nhiều gia đình tranh thủ đi chơi ngắn ngày ở các khu gần Hà Nội. Theo chị Phương-nhân viên công ty điện lực, gia đình chị cùng nhóm bạn tổ chức đi chơi 1 đêm 2 ngày tại khu du lịch V-Resort tại Hòa Bình. Giá phòng nghỉ VIP tại đây 2,4 triệu đồng/ngày đêm, cao hơn so với ngày thường. Do khách đông nên nhiều khách phải xếp hàng chờ đợi mới được nhận phòng. Các loại dịch vụ ăn uống, vui chơi đều tăng giá nhẹ.

Các điểm du lịch, giải trí năm nay có đông hơn so với ngày thường nhưng không phải chen lấn như mọi năm vì kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, giá các loại dịch vụ vui chơi giải trí có ít cơ hội “chặt chém”.

Gửi xe đắt đỏ

Tại Hà Nội, nhiều tụ điểm vui chơi giải trí cũng đông khách tham quan, mua sắm.

Tuy nhiên, nhiều dịch vụ vẫn giữ giá ngày thường. Tại công viên Thủ Lệ, trò chơi bóng nước bán vé 40.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng/trẻ em. Vé tại nhà gương là 15.000 đồng/người. Ghi nhận ngày 31-12-2012 cho thấy, trong buổi sáng nhiều tụ điểm vui chơi khá vắng vẻ nhưng sang chiều, lượng khách tăng lên. Các hàng ăn nhanh, quà vặt tăng giá nhẹ so với thường ngày. 

Trong khi nhiều nhà hàng ăn uống chỉ tăng giá nhẹ thì các khu giải trí khác, dịch vụ lại tăng giá. Ở nhiều quán karaoke, mặc dù giá từng giờ hát đã được niêm yết nhưng nhà hàng lại tăng giá hoa quả, nước uống thêm 25-30% so với ngày thường.

Đáng chú ý nhất, dịch vụ gửi xe “đến hẹn lại chặt chém”. Các tuyến phố xung quanh Bờ Hồ yêu cầu khách trả từ 30.000-50.000 đồng/ lượt gửi xe máy. Tuy nhiên, một mặt do thời tiết giá lạnh, mặt khác do người dân thắt chặt chi tiêu nên các bãi gửi xe tự phát vắng vẻ hơn so với những năm trước.

Dịp nghỉ Tết Dương lịch dài ngày này, khách đến các siêu thị trên địa bàn thành phố rất đông. Mặc dù các siêu thị đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhân dịp năm mới 2013 nhưng khách đến tham quan là chính, lượng khách mua hàng không tăng đột biến, kể cả với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.