Kinh tế đang ấm lên từ đáy

ANTĐ - “Đến thời điểm này, bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2013 được xem là đang ấm lên từ đáy”, đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Giám đốc trường Đào tạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV). 
Kinh tế đang ấm lên từ đáy ảnh 1
Các chuyên gia cho rằng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
đang đi đúng hướng và có nhiều triển vọng

Tăng trưởng sẽ cao hơn 

Theo nhìn nhận của ông Trần Phương – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, kinh tế thế giới và trong nước 9 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực. Lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp, dự kiến khoảng 7% năm 2013, tăng trưởng GDP mặc dù còn ở mức thấp nhưng có xu hướng tăng dần đều qua từng quý, GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 5,14% (cao hơn so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI, ODA và kiều hối đánh dấu những điểm sáng. 

“Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đồi dào, lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm, thị trường bất động sản, chứng khoán có nhiều tín hiệu ấm dần lên. Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đánh giá cao”, ông Trần Phương đánh giá. 

“Đến thời điểm này, có thể khái quát kinh tế Việt Nam năm 2013 ấm lên từ đáy. Đáy ở đây có thể hiểu là năm 2012 với GDP tăng trưởng 5,03% (thấp nhất trong 10 năm trước đó) và năm nay dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,2-5,3%”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định. 

Tuy nhiên, nền kinh tế hiện vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn như sức cầu nội địa còn yếu, tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng... Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm trong các năm tiếp theo vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. 

Ông Cấn Văn Lực dự báo: “Kinh tế thế giới năm 2014 dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, mức tăng trên 3,2% so với mức khoảng 2,6% năm nay. Với các giả định về nhân tố nội tại như tổng mức đầu tư toàn xã hội không đổi (vẫn ở mức khoảng 30% GDP), xuất khẩu tăng trưởng khoảng 15% nhưng sức cầu tăng mạnh hơn theo đà phục hồi... dự báo ban đầu tạm đưa ra GDP năm 2014 có thể tăng trưởng cao hơn 2013. Cụ thể, GDP tăng khoảng 5,5%, CPI khoảng 7 – 7,5%, tín dụng có thể tăng trưởng 13 – 15%”.

Tái cơ cấu ngân hàng có triển vọng

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sau 2 năm tái cơ cấu, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý được một phần nợ xấu. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã cơ cấu lại một bước nhỏ sở hữu các ngân hàng thương mại, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. 

Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng có chung nhận định: “Quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được một số kết quả ban đầu như thanh khoản được đảm bảo, đã xử lý được 9 ngân hàng yếu kém. Trật tự thị trường huy động vốn được thiết lập, lãi suất giảm nhanh và các ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu”. 

“Năm 2014, ngành ngân hàng phải hoàn thành căn bản tái cơ cấu tài chính. Cụ thể là phải hoàn thành căn bản xử lý nợ xấu, áp dụng trên thực tế các chuẩn mực kế toán và an toàn. Tập trung hoàn thành tái cơ cấu hoạt động và quản trị. Về xử lý nợ xấu, cần giải tỏa những lo ngại của ngân hàng và doanh nghiệp khi bán nợ cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Đồng thời có thêm nguồn lực tài chính ngoài trái phiếu đặc biệt...”, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ. 

Các chuyên gia cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng mới bước vào giai đoạn thứ hai nhưng có nhiều cơ hội thành công do kinh tế vĩ mô ổn định và có những dấu hiệu phục hồi, thanh khoản được củng cố. Đồng thời Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng đã đi vào hoạt động. Mặc dù xác định rõ nợ xấu là vấn đề trọng tâm cần xử lý, tuy nhiên quá trình xử lý cũng đứng trước nhiều thách thức như thiếu nguồn lực tài chính an toàn, vấn đề sở hữu chéo, phối hợp chính sách...