Kinh hoàng táo đỏ “tẩm độc”

ANTĐ - Thông tin về một số nông dân Trung Quốc dùng túi có chứa hoạt chất bảo vệ thực vật độc hại bọc táo ngay từ khi còn xanh khiến người tiêu dùng khắp cả nước lại được một phen giật mình. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, táo Trung Quốc tràn ngập trên thị trường Việt Nam.

Táo Trung Quốc bày bán tràn lan tại các cửa hàng bán hoa quả ở Hà Nội

(Ảnh chụp chiều tối 18-6 tại một cửa hàng hoa quả ở ngã tư Đê La thành - Nguyễn Lương Bằng)

Táo đỏ Fuji được nuôi bằng thuốc

Các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc mấy ngày qua đã đưa tin thương hiệu táo nổi tiếng Hồng Phú Sĩ được trồng ở một số địa phương tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông đã được bọc trong túi nhựa tẩm thuốc trừ sâu cực độc từ khi còn xanh cho tới lúc chín.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã theo dõi rất sát thông tin cũng như động thái xử lý từ phía nhà chức trách Trung Quốc. Trung Quốc đã thu giữ 2,7 triệu chiếc túi để bọc táo, đóng cửa, xử lý những xưởng sản xuất loại túi độc hại này. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trung Quốc đã tuyên bố, nước này không cho phép dùng bất kỳ hóa chất độc hại trong việc sản xuất túi bọc táo. Trong khi đó, những chiếc túi vừa bị thu giữ phát hiện 2 hoạt chất Tuzet và Asomate (chất chống nấm và côn trùng có độ độc hại cao, Trung Quốc cấm sử dụng các hoạt chất này trực tiếp trên hoa quả). Do vậy, giới chức trách Trung Quốc khẳng định, việc làm này là vi phạm.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng, táo Hồng Phú  Sĩ hay còn được gọi là táo đỏ Fuji, hiện chiếm đến 40% lượng  cung cấp trên thị trường thế giới. Ngay sau khi có thông tin trên, phía Indonesia và Nhật Bản đã đề nghị Trung Quốc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nếu phía 2 nước này phát hiện có dư lượng thuốc BVTV trên loại táo đỏ Fuji sẽ ngừng nhập khẩu.

Trên thị trường Việt Nam, phần lớn táo có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ loại táo đỏ Fuji được bán trong các siêu thị, cửa hàng hoa quả tới những loại táo bột thông thường được bán ở chợ. Giá các loại táo thông thường hiện được bán từ 40.000-70.000 đồng/kg. Còn táo Fuji giá cao hơn, phần lớn các siêu thị, cửa hàng bán hoa quả cao cấp dán mác táo Nhật, táo Úc. Thời điểm táo được nhập khẩu nhiều nhất từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau. Song, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Việt Nam nhập khẩu táo Fuji Trung Quốc với lượng ít?!

Cục BVTV cũng cho rằng, phần lớn hoa quả Trung Quốc sang Việt Nam bằng chính ngạch được cơ quan chức năng trong nước giám sát, kiểm soát chặt chẽ, kể cả lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản. Hiện táo là một trong những loại trái cây được lấy mẫu thường xuyên kiểm nghiệm để đánh giá độ an toàn đối với người sử dụng. Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy, chỉ có khoảng 30% mẫu táo chứa dư lượng thuốc BVTV nhưng đều nằm dưới ngưỡng cho phép. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Cục này cũng đã lấy 415 mẫu rau, quả để phân tích, kết quả phát hiện 105 mẫu có dư lượng thuốc, nhưng đều dưới ngưỡng cho phép.

Trấn an không hợp lý

Lời trấn an của Cục trưởng Cục BVTV không thuyết phục được người tiêu dùng cũng như nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Bởi, xét trên thị trường hiện nay, phần lớn các loại táo đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, do vậy, không thể nói, Việt Nam nhập khẩu ít. Đó còn chưa kể, lượng lớn táo Fuji nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi về Việt Nam lại được dán mác táo Nhật, táo Úc mà các cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát hoặc đành buông lỏng cho tồn tại.

Thêm vào đó, hoa quả Trung Quốc hiện vào Việt Nam khá thông thoáng, trong khi, việc kiểm tra tại cửa khẩu chỉ là đối tượng dịch hại, chất lượng muốn biết thực hư thì phải lấy mẫu gửi về Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh để phân tích. Trong quãng thời gian này, lô hàng đó đã kịp đi sâu vào nội địa và được bày bán trên thị trường, tới tay người tiêu dùng.

Trong khi người tiêu dùng lo lắng về chất lượng táo Trung Quốc chưa được làm rõ thì nỗi lo về thịt thối cũng làm dư luận hoang mang không kém. Những lô “thịt bẩn” liên tiếp bị lực lượng chức năng bắt giữ trong thời gian qua. Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, ngày 17-6 vừa qua, lực lượng liên ngành gồm Bộ đội biên phòng và Thú y cửa khẩu đã bắt giữ 94,8 tấn nầm dê thối, có xuất xứ từ bên kia biên giới.

Trước đó, ngày 6-6, cũng lực lượng này đã bắt giữ 650kg nầm lợn thối. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu, Cục Thú y phối hợp với các lực lượng liên ngành để tìm ra đầu mối, đường dây của việc buôn bán thịt thối. “Cần làm rõ những động lực khiến các đối tượng buôn bán loại thực phẩm bẩn này bất chấp mọi giá để vận chuyển, ngoài động cơ lợi nhuận liệu còn điều gì khác?”, ông Cao Đức Phát đặt nghi vấn. Còn với một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật như táo, lê, ông Cao Đức Phát yêu cầu phía Cục BVTV phải sang làm việc với phía Trung Quốc, đề nghị phối hợp cùng kiểm soát.