Kinh hoàng bệnh "người gạo" vì ăn đồ tái, sống

ANTD.VN - Mấy ngày gần đây, mạng xã hội đang lan truyền một hình ảnh chụp X-quang, kèm theo đó là cảnh báo về bệnh “người gạo”. Bức ảnh gây rùng mình cho bất cứ ai, khi nó được cho là hình ảnh X-quang của một bệnh nhân nhiễm sán xơ mít do ăn thức ăn sống (rau sống, tiết canh, gỏi cá...) có nhiễm trứng, ấu trùng sán...

Những nốt trắng trên hình ảnh được cho là ấu trùng sán xơ mít đang chạy dọc khắp cơ thể người bệnh, như thể những hạt gạo trắng xóa trên phim X-quang. Nhiều người cho rằng hình ảnh trên là không có thực, vì người bị nhiễm sán sẽ không thể hiện lên khi chụp X-quang. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, khi tổn thương đã bị vôi hóa sẽ gây cản quang, thể hiện trên phim X-quang như vậy.

Bệnh sán xơ mít có ở khắp mọi nơi, nhất là ở những vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt. Sán dài 2-3m hoặc hơn, gồm nhiều đốt, có đốt cổ mảnh, có đốt thân trưởng thành, có đốt già. Trong một đốt sán già có thể chứa tới 55.000 trứng, những đốt già ở cuối thường rụng thành từng đoạn 5,6 đốt liền nhau, theo phân ra ngoài. Vật chủ trung gian của sán xơ mít chủ yếu là lợn. Khi lợn ăn phải đốt sán hoặc trứng sán, trứng sán qua dạ dày đến ruột lợn, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. Sau khi lợn ăn phải ấu trùng từ 24-72 giờ, ấu trùng sán sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc ở cơ, sau 2 tháng ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài gọi là gạo lợn.

Khi người ăn phải trứng sán dây lợn qua thức ăn, hoặc tự nhiễm do đang mắc sán trưởng thành ký sinh ở ruột non, bị nôn ọe  làm cho những đốt sán già rụng ở ruột non theo nhu động đi ngược lên dạ dày, do tác dụng của dịch tiêu hóa, trứng từ các đốt già được giải phóng ra xuống tá tràng, hàng nghìn ấu trùng thoát ra khỏi trứng và chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, phát triển thành nang ấu trùng sán. Người có nang ấu trùng sán còn gọi là “người gạo”.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương, con đường lây truyền sán chủ yếu là do ăn phải trứng sán bám ở rau sống, đất bị ô nhiễm phân lợn chứa các đốt sán hoặc ăn thịt có các nang sán chưa nấu chín (gây bệnh nhiễm sán trưởng thành). Thói quen ăn đồ nướng hoặc nhúng tái cũng có thể dễ dẫn đến nhiễm trùng sán vì kiểu chế biến này chỉ làm chín lớp ngoài của thức ăn, còn phía trong có thể chưa chín và mầm bệnh vẫn còn.

Sán trong ruột người có thể dài từ vài mét tới hàng chục mét và chúng ăn mất các chất dinh dưỡng trong ruột làm cho người nhiễm sán suy dinh dưỡng, suy kiệt... Tùy thuộc vào vị trí, sán xơ mít sẽ gây ra những biểu hiện khác nhau. Nếu sán nằm ở não sẽ gây ra rối loạn chức năng như động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, đau đầu, nhức đầu dữ dội. Nếu sán ký sinh ở mắt sẽ gây chèn ép sau nhãn cầu như tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị. Ở cơ vân sẽ xuất hiện những nang dưới da có kích thước 0,5-2cm dễ dàng di chuyển, không ngứa, thường sẽ xuất hiện ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, cơ ngực, gây giật cơ.

Ở bên trong cơ thể, nếu là những ấu trùng sán đang hoạt động là những nang nước, có đầu sán bên trong thì thường không thấy hình ảnh cản quang mà chỉ phát hiện được bằng phim MRI hoặc CT. Các nang sán chết rồi sẽ bị ngấm vôi, chụp phim X-quang thấy các hình ảnh đốm trắng. Các tổn thương này đã từng được coi là không gây triệu chứng lâm sàng, nhưng gần đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy chúng là căn nguyên gây co giật và các triệu chứng thần kinh khu trú. Nhưng cũng có rất nhiều bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc biệt, khiến nhiều ca bệnh không được phát hiện hoặc chỉ được phát hiện tình cờ bằng việc chẩn đoán hình ảnh.

Theo các bác sĩ, cách tốt nhất để phòng bệnh là không được ăn rau sống, uống nước lã, không ăn thịt lợn tái sống, không ăn tiết canh, không để phân của người hoặc vật nhiễm sán có nguy cơ lây lan.