Vượt qua Vinasun, Grab đã nộp 441 tỷ đồng thuế năm 2018

ANTD.VN - Bấy lâu nay, xe công nghệ bị mang tiếng là “trốn thuế” thì mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã công bố con số về mức nộp thuế của xe công nghệ không khỏi khiến taxi truyền thống phải soi lại mình.

"Tiếng oan" trốn thuế và sự thực

Theo đó, ngày 5/6 vừa qua, có dư luận cho rằng, xe công nghệ trốn thuế, trong khi đó, taxi truyền thống hàng năm đều đóng góp số tiền lớn cho ngân sách Nhà nước.

Một số ứng dụng gọi xe công nghệ đã phải ra sức chứng minh “tôi không trốn thuế, tôi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam”, nhưng dù vậy, tại các văn bản của Hiệp hội vận tải ô tô gửi tới Bộ GTVT, Chính phủ đều một mực cho rằng “xe công nghệ như Grab trốn thuế”.

Grab Việt Nam đã nộp 441 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2018

Về dư luận trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, lượng xe “taxi công nghệ” hiện nay vào khoảng 50.000 xe, nhưng hoạt động tại 14 phần mềm gọi xe chứ không chỉ riêng Uber hay Grab.

Tuy nhiên, tất cả các phương tiện hoạt động tại 14 phần mềm gọi xe này đều kết nối với Tổng cục thuế và các cơ quan thuế.

“Do đó việc thất thu thuế của các cái phương tiện tôi nghĩ rằng ít xảy ra bởi vì cơ quan Thuế nắm rất kỹ. Tuy nhiên, có một thực tế phần tiền trích lại cho các doanh nghiệp như Uber, Grab tôi cũng rất mong các cơ quan có liên quan giám sát chặt chẽ, vừa để đảm bảo công bằng vừa tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài và đặc biệt là “taxi công nghệ” và taxi truyền thống”- ông Thể bày tỏ.

Bổ sung về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã nghiên cứu, áp dụng tối đa các quy định của pháp luật về quản lý thuế và các luật thuế hiện hành để thu thuế “taxi công nghệ” thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ và kiểm tra.

Theo quy định hiện hành, kinh doanh vận tải, kinh doanh xe điện tử công nghệ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về quản lý thuế.

Pháp luật về thuế áp dụng thống nhất giữa các loai hình doanh nghiệp như là thuế suất, thuế ưu đãi, chế độ, cắt giảm.. Theo đó doanh nghiệp xác định được doanh thu chi phí như là Grab, Vinasun, Mai Linh nộp thuế theo phương pháp kê khai...

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, 9 doanh nghiệp vận tải lớn trong đó có Grab, Fastgo Việt Nam... kê khai phải nộp 437 tỷ đồng tiền thuế và các doanh nghiệp này đã nộp 415 tỷ đồng.

Với Uber Việt Nam, năm 2017, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đã chỉ đạo Cục Thuế TP HCM kiểm tra thuế tại Uber giai đoạn 2015-2016, và truy thu gần 66,7 tỷ đồng. Tới 31/8/2018, doanh nghiệp này đã nộp đầy đủ.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, một vài hãng taxi truyền thống “rêu rao”, “tố” xe công nghệ trốn thuế được thổi bùng lên từ vụ kiện của taxi Vinasun với Grab.

Song, theo tài liệu của phóng viên, trong năm 2018, Grab đã nộp hơn 441 tỷ đồng tiền thuế (theo xác nhận số 195/ TB-CCT-KK, KTT&TH từ cơ quan quản lý thuế trực tiếp Grab là Chi cục Thuế Quận 10, TP.HCM ngày 7/1/2019).

Trong khi đó, nghĩa vụ thuế của taxi Vinasun- một trong những hãng taxi truyền thống lớn đóng góp vào ngân sách Nhà nước chỉ ở mức 144 tỷ đồng (theo thuyết minh Báo cáo tài chính quý 4/2018 của Công ty CP Ánh Dương – Vinasun), có nghĩa là chỉ bằng 1/3 Grab.

Như vậy, câu chuyện về trốn thuế  của xe công nghệ sau nhiều nghi ngờ từ dư luận cũng như sự tung tin thất thiệt từ nhiều hãng taxi truyền thống mới đây mới thực sự được làm sáng tỏ.

Thiết nghĩ, thay vì đổ lỗi và “rêu rao” tung tin đồn thất thiệt, các hãng taxi truyền thống nên tự kiểm điểm lại mình, thay đổi, bắt kịp xu thế cách mạng công nghệ 4.0 để đến gần hơn với người tiêu dùng. Không những giúp cải thiện doanh thu, thân thiện với người tiêu dùng mà còn giúp tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thiện cảm với doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đầu tư tại  Việt Nam.