Vừa chống dịch Covid-19, vừa cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội nỗ lực đạt kế hoạch tăng trưởng 7,53%

ANTD.VN - Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thủ đô, trong đó không chỉ có tác động tiêu cực mà còn có cơ hội để doanh nghiệp tận dụng.

Vừa chống dịch Covid-19, vừa cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội nỗ lực đạt kế hoạch tăng trưởng 7,53% ảnh 1

Hà Nội tiến hành nhiều giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của Covid-19

Dịch bệnh tác động lớn đến kinh tế- xã hội

Chiều nay (26-2), UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới tăng trưởng của TP Hà Nội năm 2020. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền- Giám đốc Sở KH- ĐT Hà Nội cho biết, dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường; đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố.

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bị ảnh hưởng (trực tiếp là lĩnh vực du lịch, xuất, nhập khẩu, lao động, các ngành xản suất có đầu vào nguyên liệu từ các quốc gia này).

Tuy nhiên, vẫn có một số lĩnh vực có cơ hội để phát triển như: sản xuất thiết bị y tế, bảo hộ sức khỏe, dược phẩm, sản xuất nông nghiệp…

Sở K-ĐT Hà Nội dự báo, sản xuất công nghiệp quý I- 2020 vẫn tăng, tuy nhiên thấp hơn mức tăng của các năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 5,75%.

Căn cứ tình hình 2 tháng đầu năm 2020, kịch bản tăng trưởng của cả nước; đánh giá tác động của dịch bệnh đến phát triển của các ngành, lĩnh vực và những tình huống giả định của dịch bệnh, Hà Nội đưa ra các kịch bản tăng trưởng năm 2020. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng năm 2020 là 7,53%;

Trong đó, công nghiệp, xây dựng tăng thấp hơn kế hoạch 0,19 điểm % nhưng được bù đắp bởi ngành dịch vụ (tăng cao hơn kế hoạch 0,03 điểm %), thuế sản phẩm (tăng cao hơn kế hoạch 0,01 điểm %) và nông nghiệp (tăng cao hơn kế hoạch 0,96 điểm %).

Theo ông Lê Hồng Thăng- Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, có 50% doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do 30-40% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ các thị trường đang có dịch, nguồn nguyên liệu này giảm sút. “Nếu tháng 3-2020 dịch trên toàn cầu không dừng lại thì sản xuất công nghiệp quý II của thành phố có thể không tăng trưởng”- ông Nguyễn Hồng Thăng nói.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian ngắn, nếu chuyển dịch thị trường nhập khẩu, tìm nguyên liệu thay thế từ Ấn Độ, Indonesia thì cũng không thay thế được ngay. Một số ngành như: thủ công mỹ nghệ, gỗ dù ít ảnh hưởng nhưng hiện tại đã suy giảm.

Trong khi đó, ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, từ nửa đầu tháng 2 bắt đầu giảm sút ở cả lượng người mua và hàng mua. Ước tính, lượng sụt giảm ở chợ đầu mối phía Nam là 70%, chợ Đồng Xuân doanh thu giảm 60-80%.

Là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và khá nặng nề, ông Trần Đức Hải- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, tính đến hôm nay, khách quốc tế đến Hà Nội giảm 28,7%, khách nội địa giảm 60%.

Dự báo sắp tới, lượng khách châu Âu tới Hà Nội sẽ giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, sắp tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với doanh nghiệp đón 50 doanh nghiệp lữ hành từ Ấn Độ đến Hà Nội khảo sát.

Tìm cơ hội để tăng trưởng

Cho rằng các doanh nghiệp Hà Nội, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu nguyên vật liệu sản xuất, nhiều doanh đã phải dừng một số dây chuyền, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội kiến nghị, cần đẩy nhanh tiến độ thông quan tại các cửa khẩu với Trung Quốc để doanh nghiệp duy trì sản xuất. Đồng thời, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mặc dù chưa đánh giá hết nhưng Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm theo Chương trình 07/CTr-UBND ngày 9-1-2020 của UBND thành phố, đồng thời thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt các giải pháp.

Cụ thể, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt việc khoanh vùng, cách ly những người nghi nhiễm, cần kịp thời thông tin, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý mọi hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hang đầu là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; Đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân cho vay qua quỹ đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội thành phố; Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi (thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực…) để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản...

Cần thành lập các tổ công tác - đầu mối để liên hệ với các doanh nghiệp (theo nhóm ngành, lĩnh vực) động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc và phối hợp giải quyết, hỗ trợ phù hợp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, giải pháp số 1 là phòng chống dịch bệnh, làm sao để người dân yên tâm. “Bên cạnh đánh giá tác động tổng thể của dịch bệnh, cần thấy vẫn có cơ hội trong bối cảnh hiện nay. Đến hiện tại, Hà Nội vẫn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo từ cấp trên nên trên địa bàn chưa xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo nào”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.