Vừa bắt đầu nắng nóng, hóa đơn tiền điện đã tăng gấp đôi

ANTD.VN - Một gia đình sử dụng bình thường khoảng gần 600.000 đồng tiền điện, hóa đơn vào mùa nóng có thể tăng lên tới hơn 1,2 triệu đồng.

Đặt nhiệt độ điều hòa ở 26-28 độ C để tiết kiệm điện

Vừa mới đầu mùa hè, nhiều khách hàng sử dụng điện đã giật mình với hóa đơn tiền điện. Anh Nguyễn Khánh (Trung Văn- Nam Từ Liêm- Hà Nội) cho biết, các tháng đầu năm 2019, tiền điện trung bình của gia đình anh là hơn 700.000 đồng.

"Hóa đơn tháng 4-2019 của gia đình tôi vừa nhận được là hơn 900.000 đồng, dù mức sử dụng vẫn như cũ. Đến khi nhận hóa đơn là gia đình chưa sử dụng điều hòa 1 ngày nào. Tăng giá điện làm tiền điện tăng mạnh".

Hóa đơn điện tăng cao là băn khoăn của không ít khách hàng. Vì sao lại có tình trạng này?

Năm 2019, Bộ Công Thương điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và đúng thời điểm chuẩn bị đợt nắng nóng trong hè.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tiền điện phải trả thêm của mỗi hộ gia đình là 7.000-77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 số điện (kWh) theo cách tính giá mới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hóa đơn điện không chỉ tăng đơn thuần theo giá điện mới, mà còn bị tác động bởi nhiều yếu tố.

"Mức tăng 8,36% chỉ là mức bình quân, tức là còn mức tăng khác cao hơn, chưa kể giá điện tính theo bậc thang nên dùng càng nhiều thì hóa đơn điện càng cao. Hơn nữa, mùa hè, nhu cầu sử dụng điện của các gia đình đều tăng lên"- vị chuyên gia nói.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ Nhiệt - Lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2018, vào mùa hè, người dùng tại Việt Nam tiêu thụ điện nhiều hơn trung bình khoảng 50%.

Nguyên nhân là do phần lớn các thiết bị không thể thiếu như: điều hòa, quạt trong khi tủ lạnh và những thiết bị làm mát khác cũng phải tiêu tốn nhiều điện năng hơn do nhiệt độ môi trường tăng cao.

Số liệu thống kê từ website của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, sản lượng điện ngày bình quân lũy kế tháng 3 tính đến 31-3-2019 là 47,726,587 kWh, cho tới ngày 21-4-2019 là 53,457,143 kWh, tăng 12% so với tháng trước liền kề.

Việc sử dụng nhiều thiết bị làm mát trong những ngày nắng nóng khiến sản lượng tiêu thụ điện tăng cao.

Tại Việt Nam, lượng điện tiêu thụ bởi điều hòa chiếm dao động từ 28 đến 64% (tính trung bình là 40%) so với tổng điện năng tiêu thụ trong một hộ gia đình. Vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50%.

Công cụ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến trên website của EVN HANOI (www.evnhanoi.com.vn/giadien) giả sử, một gia đình bình thường dùng khoảng 300 số điện, tương đương khoảng 690.000 đồng theo cách tính giá mới thì đến mùa nóng, lượng điện tiêu thụ có thể lên đến 500 số điện, tương đương khoảng 1,32 triệu đồng, tức là gần gấp đôi so với mức thông thường.

Do vậy, nhiều khách hàng thấy dù giá điện chỉ tăng bình quân 8,36% nhưng thực tế, hóa đơn điện tăng rất cao.

Đại diện EVH HANOI cho rằng, khách hàng cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể, điều hòa nên để ở nhiệt độ 26-28 độ C; sử dụng các thiết bị làm mát một cách hợp lý và tắt các thiết bị điện không cần thiết để tránh hóa đơn điện "tăng đơn tăng kép".