Vingroup bắt tay Masan: Hai bên có lợi ích cộng hưởng

ANTD.VN - Thương vụ M&A được cho là lớn nhất năm 2019 nhận được nhiều đánh giá tích cực do đây là thỏa thuận hợp tác giữa 2 doanh nghiệp Việt Nam, thay vì một đối tác nước ngoài.

Masan sẽ sở hữu 2.600 cửa hàng Vinmart và Vinmart+

Tập đoàn Vingroup vừa thỏa thuận việc sáp nhập hai công ty thành viên là VinCommerce và VinEco vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan - thành viên của Tập đoàn Masan. Theo đó, VinCommerce, VinEco và Masan Consumer sẽ sáp nhập thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Việc Vingroup nhượng quyền điều hành mảng bán lẻ cho Masan khiến dư luận không khỏi băn khoăn, bởi sau hơn 5 năm xây dựng, phát triển, mảng kinh doanh này của Vingroup đang mang lại doanh thu ngày càng lớn cho tập đoàn.

Tuy vậy, bán lẻ là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi đầu tư lớn nên cùng với doanh thu lớn, các khoản lỗ của Vingroup trong lĩnh vực này cũng tăng lên.

Theo báo cáo tài chính của Vingroup, năm 2014, mảng bán lẻ mang về doanh thu 454 tỷ nhưng lỗ trước thuế hơn 279 tỷ đồng. Bốn năm sau đó, năm 2018, doanh thu của hệ thống này tăng lên 21.257 tỷ đồng, trở thành mảng kinh doanh có doanh thu chỉ sau lĩnh vực bất động sản, nhưng lại  báo lỗ hơn 5.100 tỷ. Các khoản lỗ này được cho có nguyên nhân lớn từ việc tập đoàn đầu tư mở rộng mạng lưới Vinmart và Vinmart+.

Đại diện Vingroup cho biết, việc nhượng quyền lại mảng bán lẻ cho Masan có nguyên nhân quan trọng là để tập đoàn này có thể tập trung nguồn lực cho những mảng kinh doanh chiến lược khác, trong đó công nghiệp và công nghệ là cốt lõi.

Mặt khác, việc Vingroup không tham gia quá sâu vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cũng khiến tập đoàn này khó phát huy được hết lợi thế trong lĩnh vực bán lẻ. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Masan lại đang là doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất hàng tiêu dùng nên tiếp nhận mảng bán lẻ lại có những lợi thế riêng.

Với 2.600 cửa hàng Vinmart và Vinmart+ sẵn có, Masan có thể nhanh chóng giải quyết được những khó khăn khi đưa hàng vào hệ thống phân phối bên ngoài phải chịu mức hoa hồng quá lớn như hiện nay.

Đại diện Vingroup cho hay: “Vingroup chọn mặt gửi vàng, Masan là doanh nghiệp nội, doanh nghiệp Việt để hợp lực chứ không hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để cân bằng thị trường bán lẻ trong nước, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước cùng phát triển, mặc dù doanh nghiệp nước ngoài (SK) mong muốn rót 1 tỷ USD vào VinCommerce nhưng VinCommerce vẫn quyết định bắt tay với Masan”.

Bình luận về thương vụ này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thương vụ có 2 điều bình thường và 2 điều tốt. Theo đó, quá trình M&A là hoạt động bình thường trong kinh tế thị trường và nó tăng tốc trong bối cảnh đời sống kinh tế có sự tăng trưởng hoặc có sự trì trệ.

Thứ hai là các M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau cũng là bình thường, M&A với nước ngoài chỉ diễn ra trong từng thời điểm.

“Về điều tốt, việc mua bán này giữa các doanh nghiệp Việt Nam là rất tốt, nó cho thấy đối tác liên kết và cũng như chia sẻ lợi ích của M&A. Đồng thời, nó giúp phòng tránh rủi ro trong M&A với nước ngoài nếu ta không hiểu luật, hoặc để lọt những “màu mỡ” ra ngoài.

Đây là thương vụ nên khuyến khích, vì hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam khá khép kín, rời rạc và nhỏ yếu nên M&A tạo thành doanh nghiệp lớn là rất cần thiết” - ông Nguyễn Minh Phong nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, Vingroup nhượng quyền mảng bán lẻ cho Masan vào thời điểm này cũng không có gì khó hiểu vì quyết định phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. “Bên mua cũng không dại gì mua nếu không có lãi. Trong chuyện mua bán này hai bên có lợi ích cộng hưởng. Ở các tổ hợp mua bán, thương mại bán khi có lãi nhất sẽ được giá cao nhất, bán khi lỗ thì chưa có lãi hoặc lãi ít”- ông Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

Đánh giá trên góc độ người mua, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, Masan sẽ có nhiều lợi thế khi mua lại VinCommerce và VinEco, vì họ không phải đầu tư vào xây dựng hệ thống, khai thác được lượng khách có sẵn và “được tiếng” vì là người mua lại.

“Masan lại sản xuất hàng tiêu dùng nên sở hữu hệ thống bán lẻ sẽ giúp doanh nghiệp Việt khỏe lên, hàng Việt lưu thông tốt hơn”- chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.