Vì sao Đà Nẵng chọn phát triển mạnh về phía Đông Nam?

ANTD.VN - Xu hướng ly tâm trong phát triển đô thị tại Đà Nẵng đang diễn ra nhanh chóng khi quỹ đất nội đô dần thu hẹp và các dự án ven biển bị kiểm soát gắt gao. Trong làn sóng dịch chuyển này, khu Đông Nam được đánh giá có tiềm năng thuận lợi để tạo cực phát triển mới cho “thành phố sông Hàn”.

Đích đến “đô thị sinh thái và bền vững”

Đầu năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với nghị quyết này, Đà Nẵng sẽ có nhiều cơ chế đặc thù để phát triển, trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm du lịch quốc tế... tạo động lực cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết, chính quyền Đà Nẵng cũng đang thúc giục đối tác tư vấn Singapore là liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch chung thành phố giai đoạn sắp tới.

Đà Nẵng đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch chung thành phố giai đoạn sắp tới

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng thời gian tới đặt trong mối liên kết vùng sẽ làm cho đô thị Đà Nẵng "lớn lên", tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Việc hình thành đô thị vệ tinh là xu hướng tất yếu khi quy hoạch thành phố dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng sẽ đạt con số khoảng 2,5 triệu người (cả quy đổi).

Hai mũi quy hoạch phát triển đô thị được xác định là phía Đông Nam và Tây Bắc thành phố. Trong đó, sự phát triển về phía Nam để kết nối với đô thị Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) được đặt nhiều kỳ vọng.

Giới chuyên gia đánh giá, khu vực Đông Nam thành phố sẽ sớm lột xác trở thành trung tâm mới của Đà Nẵng nhờ phát triển dọc theo bờ biển, hạ tầng hoàn thiện, đồng thời là điểm kết nối với Quảng Nam.

Nằm tại khu vực giao thương với người anh em Quảng Nam, khu vực này sẽ sớm hưởng lợi từ chủ trương phát triển du lịch liên kết vùng miền Trung. Trong đó, trước mắt và đáng kể nhất là dự án khơi thông sông Cổ Cò nhằm triển khai tuyến du lịch đường thủy đầy tiềm năng kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam. Dự án do UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 9/2020.

Lực hút của bất động sản

Hướng đến hình hài của một đô thị thông minh, phát triển bền vững, những năm gần đây, Đà Nẵng đã thể hiện rõ chủ trương kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án bất động sản ven biển.

Các dự án bất động sản ven biển sẽ được Đà Nẵng kiểm soát chặt chẽ.

Đây là bước đi để thành phố mở cánh cửa cho những dự án nhà ở được đầu tư bài bản, nằm tại các khu vực mới thuận lợi về kết nối giao thông. Đơn cử, vùng Đông Nam Đà Nẵng đã xuất hiện một số dự án đáng chú ý như Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân hay Khu đô thị ven sông Nam Hòa Xuân…

Được đầu tư bởi các nhà phát triển uy tín, những dự án mới như Nam Hòa Xuân sở hữu quy hoạch tương đối đồng bộ về hạ tầng giao thông, hệ thống cảnh quan với các khu nhà phố tọa lạc ven sông Cổ Cò, ven trục đường lớn Nguyễn Phước Lan kéo dài. Vị trí này dễ tiếp cận với các điểm du lịch lớn như Ngũ Hành Sơn hay bãi tắm công cộng Sơn Thủy cách đó khoảng 1 km…

Đây cũng là xu hướng chung, các khu vực ven đô này khi được quy hoạch bài bản sẽ nhanh chóng phát huy lợi thế gần sông, gần biển để trở thành các khu trung tâm dịch vụ, du lịch mới, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và du lịch Đà Nẵng, trong bối cảnh trung tâm đô thị đang chuyển dịch về phía Nam.

Làn sóng trỗi dậy của bất động sản ngoại ô và vùng ven diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Quy hoạch đô thị Đà Nẵng trong xu hướng phát triển ly tâm hiện nay, vì vậy, cũng được dự báo sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho thị trường địa ốc của “thành phố đáng sống”.