Vì sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo không nên vay vốn ODA của Trung Quốc?

ANTD.VN - Vốn ODA Trung Quốc là các khoản vay kém ưu đãi, lãi suất cao hơn so với các nhà tài trợ khác.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị chậm tiến độ, đội vốn

Tại báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn 2025, Bộ này đã lên tiếng cảnh báo về vốn vay ODA của Trung Quốc.

Cụ thể, vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3% một năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4%-1,2% tùy vào thời hạn vay; Hàn Quốc 0%-2% tùy theo điều kiện đấu thầu hay Ấn Độ 1,75% một năm; và các nước liên minh châu Âu (EU)...

Bên cạnh đó, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm. Các khoản vay tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). 

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý khác nữa là kèm theo các khoản vay vốn ODA, Trung Quốc thường đặt ra điều kiện là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều các dự án có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc đều chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng và làm tăng tổng mức đầu tư. Hiệu quả đầu tư do vậy không cao.

Đơn cử như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD.

Hay 4 trong tổng số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương đều sử dụng vốn vay từ Trung Quốc, như: Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Đạm Hà Bắc, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên...

Do đó, Bộ KH-ĐT cho rằng: "Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp sử dụng cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ... Định hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc".

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nên cân nhắc khi vay ODA từ Trung Quốc, đặc biệt là cẩn trọng trong điều khoản, lựa chọn kỹ lưỡng nhà thầu, chủ đầu tư… để tránh thiệt hại.