Vẫn nhức nhối tình trạng thao túng giá chứng khoán

ANTD.VN - Chế tài xử phạt không đủ răn đe khiến hành vi thao túng giá chứng khoán ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi.

Vi phạm ngày càng phức tạp

Mới đây, ngày 26/2/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đinh Xuân Cường (Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng vì đã có hành vi sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty CP ANI (mã SIC, sàn HNX).

Trước đó, vào cuối tháng 1/2019, UBCKNN cũng đã ban hành quyết định xử phạt số tiền tương tự đối với ông Lê Văn Long (Đà Nẵng)  cũng vì đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng ALV (mã ALV, sàn HNX). Ông này cũng đã dùng 44 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu ALV.

Trước đó, trong năm 2019, UBCKNN cũng đã xử phạt 9 cá nhân vì  hành vi vi phạm này với mức phạt lên tới 5,1 tỷ đồng. Đây được được xem là năm kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán từ trước đến nay. Ngoài ra, tính cả các hành vi vi phạm khác, năm qua cũng đã có 397 trường hợp vi phạm khác cũng bị phạt với tổng số tiền phạt 21 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBCK Phạm Hồng Sơn, những năm gần đây, kỷ luật thị trường đã được nâng cao nhưng vẫn còn có hiện tượng vi phạm. “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã luôn tập trung trong công tác giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên các hành vi và mức độ vi phạm vẫn còn và ngày càng phức tạp” – lãnh đạo UBCKNN cho biết.

Gian lận trăm tỷ, phạt 1-2 tỷ

Tuy nhiên, theo đánh giá hiện việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán vẫn chưa đủ sức răn đe. Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019 mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trên thị trường vẫn có những hiện tượng thao túng, nội gián, gian lận, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, tuy nhiên việc xử phạt lại chưa đủ răn đe.

Tình trạng thao túng giá chứng khoán vẫn rất phức tạp

“Nếu lợi cả trăm tỷ mà phạt 1 - 2 tỷ thì người ta cứ làm thôi. Có khi chưa có quyết định xử phạt đã xin nộp phạt trước, như thế là không đủ sức răn đe” – Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu UBCKNN nghiên cứu sử dụng tối đa thẩm quyền, cân nhắc sử dụng thêm chế tài, tăng tính răn đe. Cùng với đó, phải có sự vào cuộc của cả thanh tra ngân hàng, thanh tra tài chính... “Thanh tra định kỳ, nếu phát hiện sai phạm mà không xử lý thì xử lý luôn cả thanh tra” – Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo lãnh đạo UBCKNN, trong năm 2019 cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật thị trường. Khi nhà đầu tư có dấu hiệu thao túng, nội gián thì UBCKNN sẽ truy xuất và biết từng giao dịch, ở từng thời điểm, kiểm tra dòng tiền của người có hành vi vi phạm.

Đồng thời, trong quá trình điều tra và xử lý, UBCKNN sẽ xem xét trách nhiệm của cả môi giới và công ty chứng khoán để xác định xem có việc thỏa thuận với khách hàng không; hồ sơ nào có dấu hiệu phạm tội hình sự sẽ chuyển ngay cho cơ quan công an…

Đồng thời, trong quá trình sửa Luật Chứng khoán, UBCKNN cũng đã kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung vào luật này các hình thức xử phạt mới có tính răn đe cao.

Cụ thể, các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực chứng khoán như: thao túng thị trường chứng khoán, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán... sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Ngoài việc bị xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và có thể bị áp dụng các biện pháp khác như: đình chỉ/cấm giao dịch; cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhận chức vụ...