Tỷ giá trung tâm liên tục xác lập "đỉnh" mới: Doanh nghiệp nửa vui - nửa buồn

ANTD.VN - Sau khi kiềm chế tỷ giá trung tâm một thời gian dài thì mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại liên tục điều chỉnh tăng. Công cụ điều hành tỷ giá này liên tục xác lập kỷ lục mới khiến nhiều ý kiến lo ngại khi thời điểm cuối năm, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp tăng mạnh.

Tỷ giá trung tâm liên tục xác lập "đỉnh" mới: Doanh nghiệp nửa vui - nửa buồn ảnh 1Hoạt động bán ra ngoại tệ và điều chỉnh tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo cho sự ổn định về tỷ giá tiếp tục được kéo dài

Tỷ giá trung tâm liên tục xác lập “đỉnh” mới

Cuối tuần qua, ngày 14-12, NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng, lên mức 22.778 đồng/USD. Với con số này, tỷ giá trung tâm tiếp tục xác lập một kỷ lục mới kể từ khi công cụ điều hành tỷ giá này ra đời sau khi tăng một mạch gần 30 đồng mỗi USD chỉ sau nửa đầu tháng 12. Tính từ đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng tới hơn 370 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.461 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.095 đồng/USD. Tỷ giá niêm yết tại Sở Giao dịch NHNN tiếp tục duy trì giá mua vào ở mức 22.700 đồng/USD, bán ra 23.411 đồng/USD.

Trước khi có sự điều chỉnh tỷ giá trung tâm trong nửa đầu tháng 12, NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn trong 2 phiên ngày 23 và 26-11 cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua ngoại tệ. Ngày đến hạn 31-1-2019, tỷ giá bán kỳ hạn 23.462 đồng/USD, cao hơn 0,37% so với mức giá bán ra của Sở giao dịch NHNN trong ngày 26-11.

Trước diễn biến này, một số ý kiến cho rằng động thái nâng tỷ giá của NHNN là chủ động nhằm phòng ngừa biến động trong thời điểm cuối năm 2018 đầu năm 2019. Bởi quan sát trên thị trường cho thấy, gần đây tỷ giá trên thị trường vẫn ổn định, thậm chí trong vài ngày trở lại đây một số ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn, giá mua - bán ngoại tệ còn có xu hướng giảm nhẹ.

Khảo sát một số ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn, giá USD phổ biến trong khoảng 23.235 - 23.325 đồng/USD (mua vào - bán ra). Giá mua USD thấp nhất trên thị trường là 23.215 đồng/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.250 đồng/USD. Trong khi đó, chiều bán ra, mức giá thấp nhất là 23.320 đồng/USD, cao nhất là 23.336 đồng/USD. Các mức giá này đã giảm khoảng 20.000-30.000 đồng mỗi USD so với 3-4 ngày trước đó.

 Nguyên nhân giá USD trên thị trường không tăng “nóng” theo tỷ giá được cho là do nhu cầu đầu cơ USD đã không còn như trước, và mức thặng dư thương mại hàng hóa cả nước 11 tháng đầu năm cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động bán ra ngoại tệ và điều chỉnh tỷ giá trung tâm của NHNN được cho là để đảm bảo cho sự ổn định về tỷ giá tiếp tục được kéo dài trước khả năng tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tháng 12 này. 

Doanh nghiệp: Nửa vui - nửa buồn

Tỷ giá đứng ở mức cao suốt nửa năm nay đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu việc tỷ giá tăng đã có tác động tích cực đến lợi nhuận doanh nghiệp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may cho hay, dù doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu và có khoản vay bằng USD, tuy nhiên khi bán ra nước ngoài để thu về USD thì sau khi bù - trừ vẫn được hưởng lợi. Theo đại diện doanh nghiệp này, hồi đầu năm dù giá đồng USD trên thế giới liên tục tăng do FED tăng lãi suất, nhưng NHNN lại luôn kiềm chế tỷ giá. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu không được hưởng lợi nhiều từ việc tăng giá đồng USD trên thế giới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp có nợ nước ngoài bằng USD lại là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất của biến động tỷ giá trong thời gian qua. Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết khoảng 50% nguyên liệu của doanh nghiệp là nhập khẩu nước ngoài và thanh toán bằng USD. Việc tỷ giá tăng khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, trong khi việc tăng giá bán sản phẩm lại không dễ dàng, do đó doanh nghiệp đã bị thiệt hại không ít.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi việc tỷ giá tăng suốt một thời gian dài mà nhiều doanh nghiệp còn như ngồi trên đống lửa khi NHNN chuẩn bị siết cho vay ngoại tệ với một số doanh nghiệp. Cụ thể, theo dự thảo sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN về việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ để sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước ngắn hạn, chỉ kéo dài đến hết ngày 31-3-2019, và cho vay trung dài hạn đến hết ngày 30-9-2019. “Nếu dự thảo được thông qua, thay vì chúng tôi được vay USD ngắn hạn với lãi suất khoảng 4-5% thì sẽ phải chuyển sang vay VND với lãi suất 7-9% hoặc mua ngoại tệ với giá cả biến động khôn lường. Điều này thêm một lần nữa làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp” - đại diện doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trên cho biết.

Gây áp lực lên lãi suất VND?

Trong khi tỷ giá duy trì một mặt bằng cao hơn nhiều so với đầu năm thì lãi suất huy động cũng có diễn biến tương tự. Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao, lãi suất qua đêm và 1 tuần đã lên mức 4,86%/năm và 4,87%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng trở lên đã vượt mức 5%/năm. 

Sự eo hẹp của thanh khoản hệ thống dẫn tới nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường mức lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng việc các ngân hàng tăng lãi suất thời gian qua một phần do tác động của tỷ giá, người dân có xu hướng rút tiền tiết kiệm để mua USD, hưởng chênh lệch tỷ giá. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lo ngại này là chưa thực sự hiện hữu vì dù tỷ giá tăng trong thời gian qua nhưng hiện vẫn đang khá ổn định và chưa đủ sức hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng. Cụ thể, với lạm phát được dự báo thấp hơn 4%, nếu tính VND mất giá khoảng 2% so với USD thì lãi suất ngân hàng ngay khi chưa tăng vẫn hấp dẫn hơn so với việc mua USD.

Vì vậy, lý giải cho việc lãi suất huy động tăng thời gian qua, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi thời điểm cuối năm là khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao. Đặc biệt trong năm nay, các ngân hàng đang phải rốt ráo chuẩn bị cho việc hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo đó, Thông tư 19 có hiệu lực từ đầu năm 2019 quy định các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thay vì 45% như hiện nay.

Có thể thấy, việc điều hành tỷ giá thời gian qua cho thấy, NHNN đã lường trước được biến động tăng giá của USD và rủi ro tỷ giá, do vậy sẽ không phải quá lớn. Việc NHNN giữ nguyên mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức trong khi các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động VND khiến chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao. Trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức hợp lý, xu hướng nắm giữ VND của người dân sẽ tạo điều kiện cho NHNN có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý.

“Trong quan điểm về chính sách lãi suất tiền gửi và điều hành, một yếu tố quan trọng về mặt kỳ vọng là tạo lãi suất tiền gửi dương, ít nhất không âm. Điều này tạo niềm tin cho người gửi tiền nội tệ trong hệ thống ngân hàng”. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright)