Tự phát hành trái phiếu: Cơ hội nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, việc hình thành kênh trái phiếu cho doanh nghiệp là mục tiêu xa vời.

Chia sẻ tại phiên thảo luận "Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội" là chủ đề của phiên hiến kế Vốn – Tài chính cho nền kinh tế diễn ra sáng nay (2-5), ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận thực trạng của nền kinh tế hiện nay tạo áp lực quá lớn đến hệ thống các tổ chức tín dụng và huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu là một giải pháp tích cực.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc phát hành trái phiếu còn gặp khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có việc doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện phát hành trái phiếu, thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp mang tính lâu dài, tính thanh khoản của trái phiếu chưa cao, chưa có các tổ chức xếp hạng tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư;

Trong khi đó, thông tin chưa được minh bạch, công khai, chỉ tập trung vào trái phiếu chính phủ, bảo lãnh...

Với hơn 96% doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, công bố thông tin còn hạn chế, quản trị doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc thì việc đáp ứng các yêu cầu để tự phát hành trái phiếu là không dễ.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho rằng, việc hình thành kênh trái phiếu cho doanh nghiệp là mục tiêu xa vời. Bởi lẽ các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải đạt mực độ tín nhiệm nhất định cũng như trình độ phát triển tốt.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng yêu cầu này. Một trong những điều kiện doanh nghiệp định hướng nhiều nhất là cơ chế phát hành. Tư duy xây dựng luật trái phiếu dường như đang đi theo mô hình phát hành cổ phiếu. Việt Nam đang áp điều kiện quá chặt với doanh nghiệp”- ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.

Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho rằng, cần phải minh bạch thông tin và cơ chế thoáng hơn để thị trường tự định hướng.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), cần tạo ra văn hóa công bố thông tin, trên cơ sở tuyên truyền phải gắn với tính trách nhiệm.

“Khi doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ, chính xác thì các nhà đầu tư có thể yên tâm, chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng cần nắm được đầy đủ kiến thức này, giúp thị trường tài chính đảm bảo được tính công khai”- đại diện Bộ Tài chính nói.