Tội phạm gian lận thuế ngày càng phức tạp

ANTD.VN - Thời gian qua, cơ quan Thuế và Công an đã phối hợp chặt chẽ để đấu tranh phòng, chống tội phạm gian lận thuế.

Theo Đại tá Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, tình hình tội phạm trốn thuế và vi phạm trong lĩnh vực thuế trên địa bàn thành phố trong những tháng đầu năm 2017 tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Tội phạm gian lận thuế ngày càng phức tạp ảnh 1Cơ quan Công an và ngành Thuế phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh ngăn chặn tội phạm gian lận thuế

Nhiều thủ đoạn gian lận

Cục Thuế cho biết, các doanh nghiệp thành lập công ty đăng ký kinh doanh và nộp thuế một nơi nhưng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh lại ở một nơi khác đang gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước.

Lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, các đối tượng thành lập công ty hoặc mua lại những công ty không còn nhu cầu hoạt động để phát hành hóa đơn bất hợp pháp. Nhiều đối tượng mạo danh người khác (sử dụng chứng minh nhân dân mượn được, nhặt được, hoặc mua lại từ các cửa hàng cầm đồ) để thành lập doanh nghiệp không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà nhằm mua bán trái phép hóa đơn nên khi cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh sẽ gặp nhiều khó khăn trong xác định đối tượng chủ mưu.

Từ tháng 1-2015, Nhà nước áp dụng chính sách cho phép doanh nghiệp bỏ bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra và kê khai theo quý đối với những doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng/tháng. Điều này dẫn đến đối tượng chỉ kê khai tổng doanh thu mua vào, bán ra gây khó khăn cho cán bộ thuế trong công tác quản lý kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và cơ quan điều tra khi tiến hành xác minh doanh nghiệp.

Khi cơ quan thuế nghi ngờ hoặc phát hiện có hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, tiến hành kiểm tra thì doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động, chuyển địa điểm kinh doanh để trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Lọc các doanh nghiệp rủi ro về thuế để kiểm tra

Trong năm 2017, CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch chuyên đề “Phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực thuế” trên địa bàn. Theo kế hoạch này, cơ quan công an đã phối hợp với cơ quan thuế rà soát, phát hiện các sai phạm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế trong điều tra, xác minh doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, vi phạm về thuế. 

Đại tá Đoàn Ngọc Hùng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, cơ quan thuế các cấp trên địa bàn thành phố đã cung cấp 289 đầu mối hồ sơ vụ việc liên quan đến 502 doanh nghiệp cho lực lượng công an thành phố, phối hợp xác minh 53 vụ việc liên quan đến 474 hóa đơn giá trị gia tăng có dấu hiệu mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Lực lượng Cảnh sát Kinh tế CATP Hà Nội đã thụ lý, giải quyết 15 vụ, 17 đối tượng liên quan đến hành vi buôn bán hóa đơn GTGT và trốn thuế; khởi tố 3 vụ, 4 bị can; xử lý hành chính 12 vụ với 13 đối thượng, thu cho ngân sách Nhà nước 177 tỷ đồng. 

Trong khi đó, về phía Cục Thuế Hà Nội, ông Nguyễn Thế Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế cho biết, từ năm 2016, đơn vị này đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm tra cùng với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống. Đồng thời phân tích, xây dựng các gói rủi ro theo từng nhóm yếu tố rủi ro đối với hàng chục nghìn doanh nghiệp trên địa bàn làm cơ sở để đấu tranh, yêu cầu các doanh nghiệp tự điều chỉnh, khắc phục nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước.

Kết quả 7 tháng đầu năm, Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành 11.444 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử lý truy thu, truy hoàn và phạt hơn 1.500 tỷ đồng... 

“Một thủ đoạn khá phổ biến hiện nay của tội phạm trốn thuế là bỏ ngoài sổ sách kế toán. Cụ thể, người nộp thuế sử dụng đồng thời 2 hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống sổ sách kế toán nội bộ, phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế. Hệ thống kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao dịch để kê khai thuế”.

Đại tá Đoàn Ngọc Hùng (Phó Giám đốc CATP Hà Nội)