Tốc độ mạng 3G, 4G chưa làm thỏa lòng doanh nghiệp

ANTD.VN - Hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tốc độ mạng 3G, 4G chưa làm thỏa lòng doanh nghiệp.

Thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh

Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cho doanh nghiệp cạnh tranh” diễn ra sáng nay (2-6), TS Võ Trí Thành cho biết, hạ tầng công nghệ của Việt Nam hiện nay có thể khiến kinh tế số và thương mại điện tử chậm phát triển.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Võ Trí Thành cho hay, trong 2 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bản thân ông Thành tham gia một số hội thảo trực tuyến nhưng đường truyền có vấn đề, chất lượng hình ảnh, âm thanh kém.

“Doanh nghiệp sử dụng mạng 3G, 4G không hài lòng với tốc độ đường truyền và độ an toàn của phần mềm, của đường truyền cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí khác”- ông Võ Trí Thành nói.

Theo TS Phan Thế Quyết- Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), thương mại điện tử mang tới rất nhiều tiện ích cho doanh nghiệp và cả người dùng. Năm 2025, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 33 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.

“Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020”- TS Phan Thế Quyết nói.

Theo Báo cáo e- Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound  Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025.

Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, nhờ thương mại điện tử, doanh nghiệp tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng.

Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch thương mại điện tử không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực.

“Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng” – ông Lê Xuân Sang nêu quan điểm.

Dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TS. Lê Xuân Sang cho biết, dịch Covid-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm, đặc biệt làm tăng doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.