Tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo tăng kỷ lục trong bối cảnh Covid-19 lây lan

ANTD.VN - Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2019/2020 được dự báo ở mức 496,2 triệu tấn (quy gạo xay xát), giảm 0,5 triệu tấn so với dự báo hồi đầu năm và giảm 3 triệu tấn so với mức kỷ lục của năm trước.

Sản lượng gạo toàn cầu giảm

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2019/2020 được dự báo ở mức 496,2 triệu tấn (quy gạo xay xát), giảm 0,5 triệu tấn so với dự báo hồi đầu năm và giảm 3 triệu tấn so với mức kỷ lục của năm trước.

Quốc gia giảm mạnh là Srilanka, các nước châu Âu và Mỹ La Tinh. Trung Quốc và Ấn Độ cũng được dự báo sản lượng giảm trong năm nay.

Tiêu thụ gạo toàn cầu được dự đoán là kỷ lục 493,1 triệu tấn trong niên vụ 2019/2020, cao hơn gần 6,4 triệu tấn so với một năm trước đó.

Trong đó, một số quốc gia được dự báo tiêu thụ gạo sẽ tăng hơn so với năm trước là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam.

Sản lượng gạo trên toàn cầu được dự báo giảm khoảng 3 triệu tấn

Tuy vậy, cũng có quốc gia lượng gạo tiêu thụ được dự báo giảm là Nhật Bản và Hàn Quốc do người dân đa dạng hóa chế độ ăn uống. Thậm chí, Mỹ và Thái Lan cũng được dự báo tiêu thụ gạo sẽ giảm trong năm 2020 do nguồn cung giảm.

Tồn kho gạo cuối vụ toàn cầu trong niên vụ 2019/20 được dự báo ở mức kỷ lục 178,1 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng 3,1 triệu tấn so với một năm trước.

Đây là năm thứ 13 liên tiếp tăng tồn kho gạo cuối vụ toàn cầu. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần lớn trong lượng gạo tồn kho hiện nay Dự kiến, tồn kho gạo tại hai quốc gia này tiếp tục tăng cao kỷ lục trong những tháng tới.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, thương mại gạo toàn cầu năm 2020 dự kiến đạt 45,3 triệu tấn, giảm 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng cao hơn 1,6 triệu tấn so với năm 2019.

Giá gạo đang tăng cao

Dù vậy, giá gạo xuất khẩu trên toàn cầu đang tiếp tục được đẩy lên cao do Trung Quốc tăng mua vào mạnh. Trên thị trường thế giới, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng lên mức cao hơn một năm trước do nhu cầu mạnh mẽ từ Philippines và Malaysia. Giá gạo Thái Lan cũng đã tăng mạnh so với tháng 2/2020.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt mức cao 380 USD/tấn, tăng mạnh so với 355 - 360 USD/tấn hồi đầu tháng 3.

Gần đây, các nhà xuất khẩu nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Philippines và Malaysia, trong khi nguồn cung vẫn còn thấp do vụ thu hoạch vụ Đông Xuân vẫn chưa đạt đỉnh.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 ở Trung Quốc không tác động đến việc vận chuyển gạo Việt Nam sang Trung Quốc. Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu 6,75 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 6% so với năm ngoái. Dự đoán giá gạo của Việt Nam có thể còn tăng hơn nữa vì hiện tại vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước sản xuất gạo khác.

Gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 369 - 373 USD/tấn. Nhu cầu từ châu Phi và châu Á đang giảm dần do các nhà nhập khẩu chờ đợi giá gạo giảm giống như các mặt hàng khác.

Còn giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan ở mức  430 - 452 USD/tấn, tăng so với 439 USD/tấn đầu tháng 2.

Nhu cầu gạo Thái Lan trầm lắng và những lo ngại về nguồn cung vẫn tồn tại do hạn hán. Hạn hán kéo dài ở nhiều vùng trồng lúa ở Thái Lan tiếp tục tạo nhiều sức ép lên nguồn cung, khiến giá gạo Thái Lan các loại đều cao hơn các đối thủ cạnh tranh.

Ở Thái Lan, mùa khô bắt đầu vào tháng 11 và thường kéo dài đến tháng 4 hàng năm, mặc dù năm nay dự báo có thể kéo dài đến tháng 6, hạn chế sản xuất lúa gạo ở nhiều khu vực.

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2-2020 của Việt Nam ước đạt 485.000 tấn với giá trị đạt 213 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 895.000 tấn với giá trị 410 triệu USD, tăng 27% về khối lượng và tăng 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2020 đạt 478 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 năm 2020 với 31,2% thị phần.

Tháng 1 năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Mozambique (gấp 5,04 lần), Trung Quốc (gấp 2,76 lần) và Angola (2,57 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Hồng Kông (giảm 80,7%).