Thua lỗ nghìn tỷ: Đạm Ninh Bình xin Chính phủ trả nợ thay

ANTD.VN - Do gặp nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn và khả năng trả nợ hạn chế nên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) và Đạm Ninh Bình xin Chính phủ trả nợ thay khoản vay từ Trung Quốc.

Đạm Ninh Bình thua lỗ nghìn tỷ do chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp

Dự án Đạm Ninh Bình được vay vốn tín dụng bên mua Trung Quốc trị giá 250 triệu USD. Thời hạn vay là 15 năm. Dự án bắt đầu trả nợ gốc từ ngày 21-1-2014.

Tính đến ngày 31-3-2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD sau khi đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền là 87,5 triệu USD.

Ngày 4-4-2017, Vinachem có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị cho phép khoanh nợ gốc, chỉ trả nợ lãi phát sinh và phí cho vay lại trong 5 năm, từ kỳ 21-7-2017 đến hết kỳ 21-1-2022 đối với khoản vay của China Eximbank được Bộ Tài chính ủy quyền cho Ngân hàng BIDV là cơ quan cho vay lại.

Nghĩa là từ năm 2017 đến năm 2022, ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinachem với tổng số tiền là 125 triệu USD. 

Sau đó, Vinachem tiếp tục có công văn đề nghị tháo gỡ khó khăn cho Dự án Đạm Ninh Bình. Các công văn này chủ yếu tập trung vào việc đề nghị được khoanh nợ và được Chính phủ hỗ trợ. 

Đáng chú ý, các văn bản của Bộ Công Thương và Vinachem hiện mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá khó khăn của dự án Đạm Ninh Bình mà chưa có đề xuất giải pháp tái cơ cấu để dự án Đạm Ninh Bình nói riêng và Vinachem nói chung hoạt động hiệu quả hơn.

Bộ Tài chính lắc đầu

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, nguồn thu của Quỹ tích lũy trả nợ rất hạn chế. Quỹ này cũng đang định kỳ phải trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp đang gặp khó khăn như: Giấy Phương Nam, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam... nên không còn nguồn để hỗ trợ Vinachem và dự án Đạm Ninh Bình.

Theo Bộ Tài chính, Vinachem là chủ đầu tư, là người vay lại khoản tín dụng ưu đãi bên mua của China Eximbank để đầu tư dự án Đạm Ninh Bình nên tập đoàn này phải có trách nhiệm thu xếp vốn để thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa  vụ nợ phát sinh của khoản vay.

Khoản vay của Dự án Đạm Ninh Bình thuộc nguồn tín dụng ưu đãi bên mua, không phải là khoản vay ODA và có tính ưu đãi hạn chế. Qua trao đổi với phía China Eximbank, đại diện ngân hàng này cho biết, không có chính sách hỗ trợ cho dự án sử dụng vốn vay gặp khó khăn. 

Đáng chú ý, phía Trung Quốc cho rằng, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần cân nhắc thận trọng với việc hoãn, giãn nợ với China Eximbank cho dự án Đạm Ninh Bình vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của Chính phủ. 

Bộ Tài chính kiến nghị: "Trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước khó khăn, bội chi cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là chưa phù hợp".

Vì vậy, Vinachem cần tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên trả nợ các khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, không làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ. 

Theo Bộ Tài chính, việc Vinachem vẫn tiếp tục đầu tư dài hạn dự án Muối mỏ Kali tại Lào trong khi tình hình tài chính không khả quan dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền đảm bảo trả nợ cho dự án Đạm Ninh Bình là không phù hợp.

Ngoài ra, tính đến ngày 31-12-2016, Tập đoàn này hiện đang góp vốn đầu tư vào 39 công ty con, công ty liên doanh liên kết nhưng không có dự kiến dòng tiền từ năm 2018-2021 về nguồn thu từ thoái vốn tại các công ty này. Nếu tập đoàn thực hiện thoái vốn thành công thì sẽ bổ sung thêm nguồn vốn cho trả nợ.

Dự án Đạm Ninh Bình vận hành thương mại từ ngày 15-10-2015. Tuy nhiên, năm 2016, công ty lỗ 1.132 tỷ đồng. Lợi nhuận trong năm 2016 cũng sụt giảm mạnh, chủ yếu do doanh thu bán hàng giảm mạnh. Mặt khác, công ty cũng chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn.

Quý I-2017, hoạt động của công ty đã có chuyển biến tích cực nhưng gía thành sản phẩm vẫn cao, thị phần hạn chế. Báo cáo của Vinachem cho thấy trong 5 năm tới, dòng tiền của công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ.