Thu hút FDI hậu Covid-19, bước ngoặt đối với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là một trong số ít quốc gia nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến an toàn, tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có tạo nên bước ngoặt đối với Việt Nam hay không thì vẫn cần thời gian.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài

Đón “đại bàng” vào đầu tư

Bộ phận nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) vừa có báo cáo cập nhật về các khu công nghiệp cho thấy đã có những tín hiệu khởi sắc từ dòng vốn FDI vào Việt Nam. Theo SSI Research, dịch Covid-19 mở ra bước ngoặt mới với nhiều nền kinh tế. Với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, làm gia tăng cấp bách nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.

Cụ thể, các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng. Trong quá trình này, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

So sánh với Indonesia - nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong thu hút FDI, SSI Research đánh giá Việt Nam có 3 điểm thuận lợi lớn là: Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Việt Nam cũng rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn và rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FDI) mà Việt Nam là thành viên, còn Indonesia không tham gia. Bên cạnh đó, VND được đánh giá là ổn định hơn so với đồng tiền của Indonesia cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn.

Qua tiếp xúc và tìm hiểu các nhà đầu tư nước ngoài gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng cho biết, đa số các nhà đầu tư đều coi Việt Nam là điểm đến an toàn, tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Và vì thế, Việt Nam có nhiều lợi thế để đón làn sóng đầu tư mới, khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19. Trong đó, các lĩnh vực mà nhiều tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam hiện nay là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử, logistic, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được thông qua cũng sẽ giúp Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt làn sóng đầu tư từ châu Âu. “Nền kinh tế của Việt Nam có điều kiện và các cơ hội thu hút thêm các khoản đầu tư khi hiệp định EVFTA và Hiệp định về bảo hộ đầu tư (EVIPA) đi vào thực thi. Các doanh nghiệp từ EU sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi đầu tư tại Việt Nam, qua đó cũng tạo điều kiện thu hút đầu tư” - ông Nguyễn Văn Thân nói. 

FDI vào Việt Nam chưa có đột biến

“Vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng đều, chưa có sự đột biến, kể cả số liệu đầu tư của từng quốc gia. Các doanh nghiệp FDI đang hưởng lợi lớn từ các chính sách ưu đãi của Việt Nam như thuế, đất đai, nhân công giá rẻ, nhưng nhiều nước khác cũng có lợi thế như Việt Nam nên nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn. Mặt khác, việc dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu cần thời gian 3-5 năm nên cần đánh giá thận trọng hơn”.

Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Thực tế cho thấy, mặc dù Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động đầu tư, nhưng tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay vẫn đạt mức khá. Tính đến ngày 20-6-2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 8,44 tỷ USD. Về vốn điều chỉnh, có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 6 tháng năm 2020 tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.125 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 2,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 3,51 tỷ USD, bằng 43,2% so với cùng kỳ. Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019.

Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 44% trong 6 tháng năm 2019 xuống 22,4% trong 6 tháng năm 2020. Một số dự án điển hình trong 6 tháng đầu năm nay là: Dự án Nhà máy dệt kim tại khu công nghiệp Texhong Hải (Hồng Kông), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh; Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị tại Hải Phòng.

Cơ hội vàng hay nguy cơ bị thâu tóm?

Trước những dự báo lạc quan về nguồn vốn FDI khá dồi dào đổ vào Việt Nam sau những chuyển dịch nhà máy sản xuất tại nhiều nước trên thế giới, có ý kiến lo ngại, liệu doanh nghiệp Việt Nam có bị thâu tóm sau những thương vụ đầu tư này? Lo ngại đó dựa trên căn cứ là gần đây, một số dự án ở lĩnh vực năng lượng đã được “sang tên đổi chủ” cho các nhà đầu tư nước ngoài sau những lần góp vốn, tăng vốn. Tuy vậy, nguy cơ này cũng chưa rõ ràng. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm nay, có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái), tổng giá trị vốn góp 2,99 tỷ USD (bằng 39,1% so với cùng kỳ 2019). “Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 5 tháng đầu năm 2019. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 (từ 45,7% trong 5 tháng năm 2019 xuống 21,5% trong 5 tháng năm 2020)” - Cục Đầu tư nước ngoài cho biết. 

Nêu quan điểm về thu hút FDI của Việt Nam sau 3 thập kỷ, TS Huỳnh Thế Du - giảng viên trường Chính sách công và quản lý (thuộc Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, mục tiêu chính của các nhà đầu nước ngoài là tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, họ chỉ đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng cạnh tranh để đạt mục tiêu. Ở góc độ này thì Việt Nam là một điểm đến của FDI. Theo các chuyên gia kinh tế, ở góc độ tích cực, FDI mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đầu tiên là việc các nhà đầu tư nước ngoài khai thác lợi thế của Việt Nam, đặc biệt là về lao động.

Lực lượng lao động này nếu không có việc làm trong khu vực FDI thì cũng khó tạo ra được các giá trị khác cho xã hội. Thứ hai, FDI giúp cho nền kinh tế Việt Nam có sức cạnh tranh rất cao, thể hiện ở tỷ trọng xuất khẩu so với GDP. Trong nhiều năm liên tục, FDI vẫn liên tục xuất siêu với giá trị ngày càng lớn, giúp cân bằng nhập siêu với khu vực kinh tế trong nước, làm cho cán cân thương mại của Việt Nam cân bằng hơn. Chưa kể, FDI góp phần tích cực trong đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, dù nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm chưa rõ ràng, nhưng FDI có mang đến cơ hội vàng hay không vẫn chưa có câu trả lời. Bởi lẽ trên thực tế, hơn 30 năm qua, đầu tư FDI chưa có sức lan tỏa lớn đến doanh nghiệp Việt, chưa giúp doanh nghiệp Việt trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu để cạnh tranh hơn, lớn mạnh hơn. Đơn cử như việc những doanh nghiệp lớn như Canon, Intel, Samsung… đã có mặt ở Việt Nam từ lâu và xuất khẩu mang lại giá trị cao, nhưng việc hình thành một cụm ngành điện tử hay công nghệ cao ở Việt Nam có liên kết với các doanh nghiệp này còn mờ nhạt. 

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện tích cực, thậm chí Thủ tướng Chính phủ còn thành lập tổ công tác đặc biệt để đón được làn sóng FDI mới, nhưng để khai thác lợi thế từ FDI thì bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần phải cải thiện ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là cần đào tạo nhân lực chất lượng cao, tăng cường khả năng đổi mới - sáng tạo và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.