Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ ngừng sản xuất

ANTD.VN - Do Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… nên trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ ngừng sản xuất do thiếu nguồn cung.

Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ ngừng sản xuất ảnh 1

Khó nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất do Covid-19

Nguyên liệu sản xuất chỉ còn đến tháng 4

Tại cuộc họp mới đây về đánh giá tác động của Covid-19 đến tình hình kinh tế- xã hội, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu nguyên vật liệu sản xuất. Một số nguyên vật liệu dự trữ doanh nghiệp chỉ đủ dùng cho chưa đầy 1 tháng nữa.

“Còn ở riêng góc độ doanh nghiệp của chúng tôi (Tập đoàn Sunhouse), chúng tôi đã phải dừng 1 dây chuyền sản xuất hàng xuất đi Mỹ vì không có nguyên liệu sản xuất, tương đương mỗi ngày không có 2 container hàng xuất khẩu”.

Xác nhận thực tế khó khăn này, tại cuộc họp chiều 26-2 của Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các ngành sản xuất Việt Nam đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh này là: ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối và dịch vụ. Đối với các ngành sản xuất của Việt Nam, nguy cơ thiếu nguyên liệu ngày càng rõ. Đơn cử như ngành chế tạo của Việt Nam, do phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nên khó nhập nguyên vật liệu sản xuất.

Đáng chú ý, ngành điện- điện tử bị tác động nhiều nhất. “Ước tính các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3-2020”- ông Trương Thanh Hoài cho hay.

Tương tự, ngành dệt may, da giày dự trữ nguyên phụ liệu đủ dùng cho tới đầu tháng 3-2020 hoặc đầu tháng 4-2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.

Đối với ngành sản xuất xuất lắp ráp ô tô, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD, Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (chiếm 28,5%) và Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%). Diễn biến dịch bệnh tại các thị trường nhập khẩu lớn phức tạp như hiện nay thì chỉ đến cuối quý I-2020, các doanh nghiệp trong ngành này cũng thiếu hụt linh kiện để sản xuất, lắp ráp.

Nguyên nhân chủ yếu khiến việc nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất khó khăn là do dịch Covid-19 khiến hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chậm hơn. Bên cạnh đó, tại các thị trường trên, doanh nghiệp của họ cũng sản xuất cầm chừng.

Chủ động ứng phó nhưng không trầm trọng hóa vấn đề

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, không chỉ Việt Nam mà nhiều nền kinh tế khác cũng chịu tác động tiêu cực vì Covid-19. Việt Nam đang đối diện nguy cơ kép, vừa thiếu nguồn cung, vừa suy giảm tổng cầu.

Tuy vậy, “chúng ta không bi đát, không trầm trọng hoá vấn đề nhưng phải chủ động”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tìm giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo TS Cấn Văn Lực- Cố vấn cấp cao ngân hàng BIDV, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn của Covid-19. Ông Cấn Văn Lực gợi ý một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.

Đặc biệt, “cần giãn, hoãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội nhưng không nên giảm thuế VAT. Năm 2020 là “cơ hội vàng” để Chính phủ áp mức thuế xuất thấp hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”- TS Cấn Văn Lực nói.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần đảm bảo an toàn dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo lợi ích, thông suốt kinh tế.

“Nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường, sản phẩm ngay 1 lúc chuyển đổi sẽ không làm được. Chuỗi giá trị trong nước nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu nên cần đa dạng hóa hàng hóa sản phẩm, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Giải pháp hỗ trợ lãi suất, bơm tiền không phải giải pháp quan trọng mà nên giãn, giảm thuế để doanh nghiệp tồn tại”- ông Phan Đức Hiếu gợi ý.