Thị trường viễn thông cạnh tranh khốc liệt bất chấp bão hòa thuê bao

ANTD.VN - Thị trường viễn thông di động xuất hiện thêm một tên tuổi mới là Itelecom - mạng di động ảo đầu tiên tại Việt Nam. Mặc dù con số thuê bao di động đang hoạt động của Việt Nam hiện lớn hơn tổng dân số, nhưng sự xuất hiện của những doanh nghiệp mới cho thấy, đây vẫn là lĩnh vực đầy tiềm năng và hứa hẹn những cạnh tranh khốc liệt. 

Itelecom là mạng viễn thông di động thứ 6 tại Việt Nam

Xuất hiện mạng di động ảo đầu tiên

Ngày 25-4-2019, Đông Dương Telecom hợp tác với tập đoàn VNPT (sử dụng cơ sở hạ tầng của mạng di động VinaPhone) chính thức ra mắt mạng di động Itelecom với đầu số 087. Đây là mạng di động ảo đầu tiên tại Việt Nam. Như vậy, bên cạnh 5 doanh nghiệp viễn thông hiện có là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và G-tel, thị trường viễn thông có thêm một tên tuổi mới là Indochina Telecom. 

Mạng di động ảo là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam (còn gọi là mạng viễn thông di động mặt đất không có tần số - Mobile Virtual Network Operator - MVNO). Mạng di động theo mô hình này xuất hiện lần đầu tiên năm 1999 tại Anh và đang dần trở nên phổ biến với hơn 400 nhà cung cấp đang hoạt động trên toàn thế giới. 

Trao đổi với báo chí, ông Lưu Anh Sơn- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom cho biết, mạng di động ảo bước chân vào thị trường di động Việt Nam sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực trong phát triển của nhà khai thác di động có hạ tầng như VinaPhone. 

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp mới này cũng thừa nhận: “Đông Dương Telecom vẫn còn phải đương đầu với thách thức lớn là làm sao cung cấp được dịch vụ tốt với chi phí cạnh tranh trên thị trường di động. Trước mắt, Đông Dương Telecom giới thiệu sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Sau đó, Đông Dương Telecom sẽ kết nối với tất cả các mạng có phần dung lượng dư để tạo ra dịch vụ tiện lợi, kết nối tốt nhất nhưng giá cả, chi phí hợp lý, cung cấp chất lượng tốt”- ông Lưu Anh Sơn cho hay.

Từ khi ra mắt đến nay đã hơn 2 tháng, song thông tin về hoạt động mạng di động ảo đầu tiên này rất thưa thớt. Điều này cho thấy Đông Dương Telecom hoặc đang tính toán cẩn trọng cho từng bước trên thị trường, hoặc đang loay hoay với “bài toán” cạnh tranh cùng các doanh nghiệp viễn thông gạo cội khác. Nhiều thông tin cho thấy sẽ có thêm các nhà mạng ảo nữa chuẩn bị khai thác trong thời gian tới.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6-2019, số máy điện thoại di động đang hoạt động trên cả nước là trên 138,2 triệu thuê bao, bằng 106,88% so với cùng kỳ năm 2018. Với 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và  G-tel, thị trường di động Việt Nam đã có dấu hiệu bão hòa và phát triển thuê bao chậm lại trong những năm gần đây. Đông Dương Telecom “nhảy” vào lĩnh vực này, đương nhiên, sẽ phải cạnh tranh để giành khách hàng, giành thị phần. Khi đó, người dùng có thêm một lựa chọn mới.

Thực tế cho thấy, khi số lượng thuê bao di động đã bão hòa, các nhà mạng đã giảm bớt đầu tư cho việc phát triển thuê bao mới, thay vào đó là tăng cường chất lượng phục vụ, hạ tầng và dịch vụ giá trị gia tăng. 

Cách thức cạnh tranh cũng có nhiều thay đổi, chuyển từ việc “chạy đua” khuyến mại, giảm giá các gói cước sang tặng data, thêm ưu đãi cho khách hàng thân thiết. Trong bối cảnh việc chuyển mạng giữ nguyên số đã được thực hiện từ tháng 11-2018 đến nay, nhà mạng càng cần có nhiều chính sách độc, lạ, thiết thực để giữ chân khách hàng thì việc một mạng đi động mới xuất hiện sẽ có quá nhiều việc phải làm để giữ được “chân” trên thị trường.

Chưa rõ sự xuất hiện của ITelecom có thể “làm mưa, làm gió” trên thị trường viễn thông hay không, nhưng lĩnh vực này cũng chứng kiến sự khai tử của một số doanh nghiệp, điển hình là Htmobile (sau là Vietnamobile). Bên cạnh đó, dù thị trường lâu nay có đến 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, song thị phần và cạnh tranh chủ yếu vẫn chỉ diễn ra với 3 “ông lớn” viễn thông gồm: Viettel, VinaPhone và MobiFone. Vietnamobile và G-tel dù có rất nhiều nỗ lực nhưng thị phần vẫn ít được cải thiện.