Thị trường bị "thao túng", giá vàng không thể bứt phá?

ANTD.VN -  Một số chuyên gia chỉ ra rằng thị trường đang chứng kiến việc thao túng tài chính trên quy mô và tần suất hiếm thấy trước đây, khiến giá vàng không thể bứt phá mạnh dù thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng.

Sáng nay, giá vàng trong nước quay được điều chỉnh tăng nhẹ. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết mua vào - bán ra vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,52 – 48,94 triệu đồng/lượng; tại TP.HCM 48,52 – 48,92 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên hôm qua, giá thương hiệu vàng quốc gia đã tăng 20 nghìn  đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác, giá vàng SJC cũng điều chỉnh tăng khoảng 50 nghìn đồng mỗi lượng. Theo đó, vàng SJC tại DOJI mua vào - bán ra ở mức 48,55 – 48,80 triệu đồng/lượng; Phú Quý SJC 48,55 – 48,85 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu 48,57 – 48,82 triệu đồng/lượng…

Bảng giá vàng sáng 26-5

Trên thế giới, giá vàng đã tăng thêm gần 7 USD so với chốt phiên đêm qua tại thị trường Mỹ và đang giao dịch quanh 1.735 USD/ounce tại châu Á.

Theo ghi nhận, các quỹ phòng hộ đang đặt cược vào kim loại quý, tỷ trọng vàng và bạc tăng lên vào tuần trước khi giá vàng đã tăng lên mức cao nhất 7,5 năm.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận cao này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và khi tâm lý thị trường được cải thiện, dòng tiền đã "chảy" sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, khiến giá vàng khó bứt phá.

Các nhà phân tích cho rằng rằng, các yếu tố như chính sách kích thích tài chính và đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong dài hạn. Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng giá vàng sẽ khó bứt phá trong thời gian tới.

Ở khảo sát vừa được Reuters thực hiện, các chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ giữ trên 1.500 USD/ounce trong năm nay và sẽ tăng khiêm tốn vào năm 2021 khi lãi suất thấp và yếu tố địa chính trị không chắc chắn.

Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh doanh Sussex (Mỹ) lại chỉ ra rằng thị trường đang chứng kiến việc thao túng tài chính trên quy mô và tần suất hiếm thấy trước đây, với hàng loạt những giao dịch bất thường. Điều này khiến cho các kênh đầu tư bị chệch ra khỏi quỹ đạo vốn có.

Đó là lý do tại sao vàng và bitcoin không tăng đột biến vào giữa tháng 3 khi thị trường chứng kiến những đợt bán tháo lớn trên diện rộng. Ngược lại, sau khi S&P 500 gặp sự cố vào tháng 3/2020, vàng đã có tuần tồi tệ nhất trong 8 năm, trong khi đáng lẽ ra nó phải là thứ tốt nhất lúc bấy giờ...

Tương tự, hiện tại vàng cũng có những phiên tăng - giảm đồng điệu với thị trường chứng khoán, trong khi đáng lẽ hai kênh này phải là tương quan ngược.

Tin cùng chuyên mục