Thẻ ngân hàng "rác" đã giảm mạnh

ANTD.VN - Theo Hội Thẻ ngân hàng, tình trạng thẻ ngân hàng “rác” đã giảm đáng kể trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Con số thống kê của Hiệp hội ngân hàng vào năm ngoái cho thấy, trong tổng số 132 triệu thẻ ngân hàng thì có đến 55 triệu thẻ không hoạt động, hay còn gọi là thẻ “rác”, chiếm 41,7%.

Theo ông ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, tình trạng thẻ “rác” tràn lan xuất hiện khoảng 5 năm đổ về trước, khi có hiện tượng chạy theo số lượng thẻ phát hành mà không quan tâm bao nhiêu thẻ active (kích hoạt sử dụng).

Tuy nhiên, theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, lượng thẻ gọi là thẻ chết chỉ còn là tồn tại của giai đoạn trước.

“Nếu đánh giá số lượng thẻ các ngân hàng active trong 5 năm trở lại đây mà không tính đến lượng thẻ “chết” tồn tại trước đó thì tỷ lệ lên tới 90%.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng đang nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt, theo đó, giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và rút xuống còn 8% vào cuối năm 2025.

Dù gia tăng mạnh nhưng vẫn còn nhiều rào cản với hoạt động thanh toán không tiền mặt

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9-2018, số món giao dịch qua ATM tăng 12% so với cuối năm 2017, còn số món giao dịch qua POS tăng 42%. Đến nay đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Ngoài ra, thị trường có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Một số ngân hàng hiện đang thí điểm các điểm giao dịch tự động hiện đại, mới với nhiều chức năng hỗ trợ như mở tài khoản, rút nhận tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền... hướng tới nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Tuy nhiên, sau gần 6 năm thực thi Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ trọng này mới giảm được từ 12,01% xuống trên 11% vào cuối năm 2018.

Theo ông Đào Minh Tuấn, một trong những hạn chế là do sự thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Các ngân hàng và Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Thế nhưng, tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ví như dịch vụ công với định hướng là tất cả dịch vụ phải được thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt, nhưng thực tế thời gian qua chuyển biến rất chậm.

“Tóm lại, phía ngân hàng cũng cần cố gắng để đa dạng hóa dịch vụ sản phẩm cho người dân sử dụng, ngược lại các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thể là cá thể, các đơn vị doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành cần có chính sách, phương thức để khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt” – ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, việc các phương tiện thanh toán như thẻ đã phát hành, ví điện tử, các công nghệ như thẻ phi tiếp xúc, công nghệ 1 chạm đang phát triển rất mạnh thì trong thời gian tới chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt.