Google "Mobilegeddon":

Thay đổi thuật toán tìm kiếm Google, doanh nghiệp và người dùng bị ảnh hưởng thế nào? (Phần 1)

ANTĐ - Gần như với bất kỳ ai lần đầu được tiếp xúc với Internet, cỗ máy tìm kiếm Google cũng là công cụ “buộc phải biết” để có thể khám phá thế giới số rộng lớn. Vậy nên, theo thời gian, Google đã trở thành một phần không thể thiếu của người dùng mạng. Và khi Google thay đổi thuật toán tìm kiếm của họ thì có thể coi đó là một “cơn địa chấn” trên thế giới web, ảnh hưởng tới cả người dùng bình thường, doanh nghiệp, cơ quan ở khắp toàn cầu.

“Cơn địa chấn” nói trên vừa xảy ra, và mang cái tên rất dễ hình dung là "Mobilegeddon" – cái tên thường gọi của bản cập nhật thuật toán tìm kiếm mới từ Google.

"Mobilegeddon" có tầm ảnh hưởng như thế nào, và tại sao chúng ta phải quan tâm? Hãy cùng báo ANTĐ Online khám phá dần từng phần của “cơn địa chấn” này.

Mobilegeddon của Google được ví như "cơn địa chấn" với thế giới website

SEO là gì? Tại sao phải “SEO” để đạt thứ hạng tìm kiếm (rank) tốt trên Google?

Hãy thử tưởng tượng đơn giản thế này: Bạn là một người dùng Internet đơn thuần. Bạn có nhu cầu mua một chiếc áo thể thao cộc tay thật đẹp, theo phong cách Hàn Quốc. Và bạn sẽ làm thế nào trong thời đại công nghệ số này?

Tất nhiên, không phải là lao ra hàng, lục tung cửa hàng đó lên với hy vọng tìm thấy chiếc áo mình ưa thích, bởi chắc gì cửa hàng có thứ bạn cần! Đơn giản là truy cập vào cỗ máy tìm kiếm Google, gõ từ khóa quan tâm, kiểu như “áo thể thao hè Hàn Quốc”, rồi quan sát kết quả tìm kiếm, bấm vào xem kiểu dáng, xem giá tiền, nơi nào ổn nhất thì bạn liên hệ, rồi mua!

Trong câu chuyện đơn giản đó, đã bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao có những website xuất hiện ngay ở phần đầu kết quả tìm kiếm của Google (trang 1, trang 2) nhưng cũng có những trang web nằm tận trang 8, 9, 10?

Cơ hội “lôi kéo” bạn đến với các website xuất hiện ở trang 1, trang 2 trong kết quả tìm kiếm Google cao hơn hay thấp hơn so với những trang web nằm ở tận trang 8, 9, 10 (và thậm chí xa hơn nữa)? Đương nhiên càng ở trên đầu, càng có mặt ở trang 1, 2 thì càng có cơ hội thu hút người truy cập website của mình, từ đó mở ra cơ hội kiếm lời trong kinh doanh, quảng cáo.

Lại có thêm một câu hỏi nữa mà hẳn bạn sẽ băn khoăn: Vậy chủ website nào chẳng muốn được “leo” lên đầu bảng kết quả tìm kiếm của Google, nhưng sao vẫn có trang web ở trên, có trang web lại bị đẩy xa tít phía dưới? Câu trả lời là Google có thuật toán tìm kiếm dựa trên từ khóa của riêng họ, và nếu chủ website nào biết khai thác thuật toán này để phát triển trang web của mình, thì trang web đó sẽ đạt điểm cao trong “mắt” Google, tức là có thứ hạng (rank) tốt, xếp ở trên, và ngược lại!

Nói một cách nôm na, việc khai thác thuật toán tìm kiếm đó chính là thủ thuật SEO (Search Engine Optimization). Nói theo định nghĩa thì: Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm SEO là một tập hợp phương pháp (gồm kỹ thuật, chiến thuật của Marketing và Công nghệ Internet) nhằm nâng cao thứ hạng của một website hay trang web cụ thể nào đó trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm.

Ở đây, chúng ta chỉ bàn tới Google, bởi trên thị trường công cụ tìm kiếm hiện nay, Google chiếm ưu thế tuyệt đối với mức thị phần hoàn toàn vượt trội. Hiểu một cách đơn giản, là “nói tới tìm kiếm web, tức là nói tới Google”.

Các phương pháp SEO thường dùng là tối ưu hóa website (tác động mã nguồn HTML, cấu trúc, layout và nội dung website bao gồm text, ảnh, video hay đa phương tiện khác trên web mà người dùng nhìn thấy hay tương tác được) và xây dựng các liên kết hữu ích bên trong website (internal link) và từ các trang uy tín bên ngoài (inbound link) đến trang để các công cụ tìm kiếm chọn lựa trang web phù hợp nhất, phục vụ người tìm kiếm trên Internet ứng với một từ khóa cụ thể được người dùng truy vấn và đặt được yêu cầu cần tìm của họ.

Bây giờ, khi đã hiểu một cách tương đối về SEO, về tầm quan trọng của Google, chúng ta có thể trở lại vấn đề được nêu ở đầu bài: Khi Google thay đổi thuật toán tìm kiếm của họ, thì… sẽ thế nào?

Chắc độc giả đã hình dung được, khi đó, thứ bậc của các website sẽ thay đổi, người dùng sẽ nhận được những kết quả tìm kiếm khác trước (có thể là những website chưa bao giờ nghe tên lại xuất hiện ngay trên đầu), trong khi phía doanh nghiệp, cơ quan… chưa kịp thích nghi với thay đổi mới sẽ đánh mất lượng khách truy cập đáng kể, vì website của họ không nằm ở vị trí “bắt mắt” quen thuộc.

Google đã có thay đổi bước ngoặt: Thay đổi mang tên "Mobilegeddon”

Thay đổi "Mobilegeddon” có thể hiểu đơn giản là Google sẽ dành ưu tiên (chấm điểm cao – xếp thứ bậc cao) cho những website nào phù hợp với thiết bị di động, và ngược lại, những trang web không được thiết kế phiên bản cho smartphone/tablet sẽ bị hạ điểm.

Google chính thức áp dụng thực hiện cập nhật thay đổi quan trọng trong thuật toán tìm kiếm của họ - Mobilegeddon - vào hôm thứ Ba (21/4), một động thái hứa hẹn sẽ tạo nên những làn sóng phản ứng và thích nghi trên thế giới web.

Cụ thể, các trang web không thuộc loại “thân thiện với thiết bị di động” sẽ bị giảm thứ hạng trong kết quả tìm kiếm Google, qua đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lượng người ghé thăm website.

Trong số những doanh nghiệp và tổ chức có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thay đổi từ thuật toán tìm kiếm bí mật của Google có những cái tên đình đám như Microsoft và Liên minh châu Âu.

Những tiêu chuẩn được quan tâm trong thuật toán mới của Google gồm có kích thước chữ, lượng khoảng trống giữa các đường link và liệu nội dung có vừa khít với màn hình di động không.

Nếu kích cỡ chữ quá nhỏ để đọc trên một thiết bị di động, hay các đường link quá gần nhau thì website sẽ bị hạ điểm.

Theo công bố của hãng nghiên cứu comScore từ mùa Hè, hiện smartphone và tablet kết hợp đang chiếm 60% tổng thời gian khai thác phương tiện truyền thông số vào tháng 5/2014, tăng 10% so với năm trước đó. Thuật toán mới của Google sẽ phản ánh xu hướng phát triển, trong đó những website được ưa thích sẽ có văn bản kích cỡ lớn, đường link dễ bấm và tổng thể được tối ưu hóa cho vừa vặn với màn hình nhỏ hơn của một chiếc smartphone hay tablet.

Cần chú ý rằng, thay đổi của “gã khổng lồ tìm kiếm” được áp dụng với từng trang riêng biệt chứ không phải toàn bộ website. 

Phía Google đã ra thông báo về việc thay đổi thuật toán của họ hồi tháng 2 vừa qua, tức là các doanh nghiệp chỉ có 2 tháng để chuẩn bị.

Google cho hay: “Thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới tìm kiếm di động ở tất cả ngôn ngữ trên thế giới, và sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả tìm kiếm của chúng tôi”.

“Trong bối cảnh mọi người tăng cường tìm kiếm trên các thiết bị di động, chúng tôi muốn đảm bảo rằng người dùng có thể tìm được nội dung không chỉ liên quan và kịp thời, mà còn phải dễ đọc và tương tác được trên các màn hình di động nhỏ hơn lệ thường”, một người đại diện Google bày tỏ.

Để kiểm tra xem website của mình có đạt chuẩn thân thiện di động mới của Google không, người dùng có thể truy cập địa chỉ sau và cung cấp tên miền website: https://www.google.com/webmasters/tools/mobile-friendly

Phía Google cũng đã cung cấp bộ nội dung “Những câu hỏi thường gặp” dành cho các webmaster (người quản lý website) liên quan tới thay đổi thuật toán bước ngoặt của họ.