Tăng trưởng tín dụng chậm lại, lợi nhuận các ngân hàng có giảm?

ANTD.VN - Nhiều nhận định cho rằng, đầu ra tín dụng còn yếu trong khi mặt bằng lãi suất huy động cao hơn, bức tranh lợi nhuận quý 3/2019 của các ngân hàng sẽ khó bằng được như quý trước đó.

Khó giảm lãi suất

Ngày 16/9/2019, NHNN Việt Nam thông báo giảm đồng loạt 0,25%  đối với lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất OMO và tín phiếu. Đây đều là lãi suất trong các giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, trong đó 2 lãi suất được sử dụng nhiều nhất trong nghiệp vụ thị trường mở là OMO và tín phiếu đã giảm lần lượt về mức 4,5%/năm và 2,5%/năm.

Trong bối cảnh thanh khoản trên liên ngân hàng rất dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 85.130 tỷ đồng trong tháng 9, nhưng lãi suất VND vẫn giảm liên tục, về mức 1,88%/năm với kỳ hạn qua đêm, thấp hơn cả lãi suất USD trên liên ngân hàng. Đây là lần đầu tiên sau 13 tháng, chênh lệch lãi suất qua đêm giữa VND và USD trên liên ngân hàng chuyển sang âm.

Dù lãi suất liên ngân hàng giảm nhưng lãi suất huy động thị trường 1 vẫn nhích tăng

Dù thanh khoản dư thừa trên liên ngân hàng nhưng vốn huy động từ kênh này chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng nên tính liên thông với thị trường 1 không cao. Hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động, thậm chí nhiều ngân hàng thương mại bao gồm cả một vài ngân hàng thương mại lớn vừa tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 0,2 – 0,4%/năm.

Theo đó, lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suât huy động và cho vay được giữ ổn định nhưng khả năng giảm lãi suất trong quý 4/2019 là khá thấp.

Lợi nhuận các ngân hàng có thể giảm

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24/9/2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 8,64%, huy động vốn tăng 9,03% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58%. Với những con số trên, dự tính tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2019 cũng sẽ chỉ quanh mức 9% - là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây. Theo tính toán, tổng giải ngân tín dụng toàn xã hội trong quý 3/2019 ước khoảng 120 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 226 nghìn tỷ đồng trong quý 1 và 305 nghìn tỷ đồng trong quý 2.

Trái lại, huy động tăng trưởng khá tốt trong quý 3 sau 2 quý trước đó luôn tăng trưởng thấp hơn tín dụng và thấp hơn cùng kỳ 2018. CPI 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 2,5%, là mức thấp hơn khá nhiều so với các năm trước trong khi lãi suất huy động bình quân cao hơn, theo đó lãi suất thực dương tăng mạnh từ khoảng 3,4%/năm của năm 2018 lên 4,8% trong 9 tháng 2019, giúp kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn.

“Đầu ra tín dụng còn yếu trong khi mặt bằng lãi suất huy động cao hơn, bức tranh lợi nhuận quý 3/2019 của các ngân hàng sẽ khó bằng được như quý trước đó” – Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ mới nhất của SSI nhận định.

Nhìn xa hơn, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng 2019 sẽ thấp hơn so với năm trước, tuy nhiên vẫn ở mức tích cực.

Thu nhập lãi chậm lại và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục cải thiện chọn lọc ở một số ngân hàng là một trong các yếu tố khiến kết quả kinh doanh của các ngân hàng thấp hơn.

Cùng với đó, chi phí dự phòng của các ngân hàng tiếp tục cao, đặc biệt ở các đơn vị còn dư nợ VAMC như BIDV, VietinBank, VPBank, TPBank, HDBank. Trừ VietinBank, các ngân hàng còn lại kỳ vọng tất toán hết nợ VAMC trong năm 2019. Mặt khác, 2 ngân hàng có nợ xấu hình thành tăng là TPBank từ 1,1% lên 1,5% và MBBank từ 1,1% lên 1,8%.

Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi không thường xuyên (ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thoái vốn…) không còn dồi dào cũng là ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, dù cơ cấu doanh thu bền vững.