Tăng giờ làm thêm, khó hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động

ANTD.VN - Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động  về thời gian làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm (thay vì 300 giờ/năm theo quy định hiện hành). Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp và người lao động bởi có ý kiến cho rằng, tăng giờ làm thêm là đi ngược xu thế tiến bộ của xã hội, ý kiến khác lại nói đây là nhu cầu có thật.

Người lao động  “tự nguyện” làm thêm giờ là do thu nhập của họ quá thấp

Làm thêm vượt “trần” diễn ra phổ biến

Theo báo cáo Tổng kết đánh giá 3 năm thi hành Bộ luật Lao động 2012 của Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng doanh nghiệp tổ chức làm thêm quá số giờ quy định diễn ra phổ biến trong các ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, gia công hàng xuất khẩu. Qua các khảo sát thực tế, tình hình làm thêm giờ ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, có nơi người lao động làm việc vượt gấp 2-3 lần khung giờ quy định. Thậm chí họ làm việc liên tục từ 10 - 12 giờ/ngày trong thời gian dài. Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra trong lĩnh vực điện tử và kết luận, 60% doanh nghiệp bị thanh tra đã vi phạm thời gian làm thêm giờ.

Thực tế, quy định làm thêm giờ là tự nguyện. Để “lách” luật, tại các khu chế xuất, người lao động phải kí vào đơn tự nguyện làm thêm, nhưng thực tế công nhân cho biết họ không có sự lựa chọn nào khác. Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” cho biết, trên 52% công nhân được phỏng vấn không nắm được quy định của luật về thời giờ làm thêm, 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên phải làm thêm giờ.

Theo các chuyên gia lao động, việc đề xuất tăng giờ làm thêm cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh. Khung giờ làm thêm phải được tính toán để vừa giải quyết được những khó khăn doanh nghiệp, vừa bảo đảm được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Thông thường, giữa giờ làm việc, các công ty cho phép người lao động nghỉ khoảng 10 phút vào buổi sáng và buổi chiều để thư giãn. Nhưng thực tế, vì lương dựa trên định mức công việc và sản phẩm nên người lao động thường không nghỉ giữa giờ mà làm “thông” luôn. Việc làm thêm giờ liên tục sẽ dẫn tới suy giảm sức khỏe của người lao động, khiến họ kiệt sức sau một ngày làm việc. 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, khi đi thực tế tại Bình Dương, tôi thấy nhiều công nhân với khuôn mặt xanh xao vàng vọt đề nghị được làm thêm giờ để có thêm thu nhập, nếu không thì không đủ sống, không đủ nuôi con”.

Nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tại các hội thảo góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, khi thảo luận đến vấn đề mở rộng khung giờ làm thêm của người lao động lên tối đa 400 giờ/năm, đại diện các hiệp hội ngành nghề (dệt may, da giày, xuất khẩu, chế biến thủy sản…) đều tán thành bởi điều này sẽ vừa giúp doanh nghiệp bảo đảm được mục tiêu sản xuất kinh doanh, vừa giúp nâng thu nhập cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, doanh nghiệp thủy sản hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khai thác từ ngư dân. Đây là vấn đề có tính mùa vụ và khi nguồn tài nguyên này được đánh bắt về nhà máy là phải chế biến ngay, do đó không thể tháng nào cũng như tháng nào. Việc mở rộng khung giờ làm thêm cùng với bỏ giới hạn trong tháng bảo đảm sự linh hoạt cho người sử dụng, tăng khả năng cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Ở góc độ ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, đối với chính sách làm thêm giờ nên điều chỉnh tăng thêm 450 giờ/năm, bởi đặc thù của nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành dệt may cần phải như vậy nhằm đảm bảo các đơn hàng. Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tăng giờ làm thêm, điều này xảy ra khi rơi vào hoàn cảnh bắt buộc. Bởi tăng giờ làm thêm sẽ khiến chi phí doanh nghiệp sẽ tăng lên, nếu doanh nghiệp chỉ trông chờ vào làm thêm thì sẽ thiệt hại lớn.

Quy định chặt để tránh “lách” luật

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, xã hội ngày càng phát triển, nguyên tắc chung cần khuyến khích là giảm thời gian làm việc bình thường trong tuần của khu vực có quan hệ lao động, nhằm hướng tới bình đẳng với khu vực hành chính, và xu hướng chung hiện nay của thế giới với mục tiêu thúc đẩy các biện pháp tăng năng suất lao động, việc làm đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật cả từ phía người lao động (bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống) và từ phía người sử dụng lao động (do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm). 

Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về giờ làm thêm khá phổ biến. Cho nên, để tăng tính thuyết phục của đề xuất nới “trần” làm thêm giờ, cơ quan soạn thảo cần tính toán theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định và phải bảo đảm các nguyên tắc: Phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; Áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ; Bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và phải có cơ chế  kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo sự tuân thủ quy định về thời gian làm thêm giờ, tránh để xảy ra tình trạng phổ biến vi phạm pháp luật về làm thêm giờ như hiện nay.

Ở góc độ đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, làm thêm giờ là nguyện vọng chính đáng của người lao động trong bối cảnh mức thu nhập chưa đảm bảo đủ sống. Tuy nhiên làm thêm ở mức bao nhiêu thì còn tùy vào từng ngành nghề, loại hình doanh nghiệp và số việc làm doanh nghiệp đó tạo ra.

Việc quy định về giờ làm thêm phải chống được sự lạm dụng chính sách, để việc làm thêm đúng với bản chất là nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất, nhằm tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước… chứ không phải ngày nào cũng tăng ca, tháng nào cũng làm thêm, doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giờ làm thêm để trả lương thấp, buộc người lao động không có lựa chọn nào ngoài việc phải “tự nguyện” làm thêm giờ mới có thu nhập để đủ trang trải cuộc sống.