Sửa đổi Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

ANTD.VN - Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến sửa đổi sau 5 năm có hiệu lực.

Thị trường xăng dầu cần cạnh tranh hơn

Ngày 12-12, ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đang được sửa đổi, bổ sung. “Ban soạn thảo hướng tới việc không đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nghị định sửa đổi, bổ sung dự kiến sửa đổi theo hướng quy định nội dung và quy chế báo cáo của các doanh nghiệp đối với quỹ bình ổn giá; bổ sung quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng quỹ trong khi quỹ này tại doanh nghiệp bị âm”- ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu do quỹ này không còn phù hợp, thực chất chỉ thu tiền của người mua xăng để “bình ổn” cho người mua xăng, trong khi giá xăng dầu đã gánh rất nhiều loại thuế phí khác.

Tuy vậy, một số ý kiến khác cũng nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam chưa thể bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu mà nên sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch và cả doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp quỹ thay vì chỉ người tiêu dùng phải đóng như hiện nay.

Ngoài ra, liên quan đến các điều kiện kinh doanh xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, ban soạn thảo dự kiến bỏ quy định thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu không được thuê kho, phương tiện vận tải xăng dầu nội địa của thương nhân đầu mối khác thay cho việc chỉ được thuê của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.

Liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Nghị định 83, Ban soạn thảo đã bổ sung quy định quản lý bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung sẽ cho nghiên cứu thí điểm các cây xăng mini tại các địa bàn khó xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định, để bảo đảm đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn (ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng do kém hiệu quả về kinh tế), địa bàn quá chật hẹp (tại các thành phố lớn, khu trung tâm, phố cổ không đủ mặt bằng để đầu tư cây xăng theo quy định).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 83, sau 5 năm thực hiện Nghị định 83, hoạt động kinh doanh xăng dầu đã thị trường hơn, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh xăng dầu  hiện nay đã có nhiều thay đổi đặc biệt trong cơ cấu thị phần. Nếu như trước đây, ta nhập khẩu đến 70 - 75% lượng xăng dầu, phần còn lại là trong nước sản xuất thì nay, nguồn cung trong nước đã bảo đảm được 70 - 75%, còn lại là nhập khẩu.

“Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 là cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 tới đây xác định kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp; hài hòa được lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng, tránh làm lãng phí các nguồn lực của xã hội.

Bên cạnh đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, chú trọng đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”- ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.