Quyết liệt các biện pháp "ghìm cương" giá thịt lợn

ANTD.VN - Không chỉ thịt lợn mà hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng khác đều có xu hướng tăng giá vào cuối năm. Vì vậy, cơ quan quản lý giá đang tích cực phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan để điều tiết giá cả các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm.

Giá thịt lợn có dấu hiệu hạ nhiệt

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nên nguồn cung thịt lợn trong nước đang giảm, việc tái đàn chưa đạt hiệu quả, nên giá thịt lợn trên thị trường đang có nhiều biến động.

Qua theo dõi của Cục Quản lý giá, giá thịt lợn năm nay có nhiều thay đổi kể từ tháng 9/2019. Nếu như từ tháng 3, giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc vào khoảng 37.000 - 44.000 đồng/kg, thì đến tháng 9, giá đã lên mức từ 47.000 - 50.000 đồng/kg. Sang tháng 11, giá lợn hơi là 60.000 - 78.000 đồng/kg. Đến tháng 12, giá thịt lợn tăng từng ngày, có nơi lên đến 95.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá thịt lợn đã được điều chỉnh giảm. Đơn cử ngày 27/12, giá lợn hơi giảm nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc. Giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đồng; tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La, giá phổ biến 93.000 đồng/kg; tại tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình được thu mua trong khoảng 90.000 - 92.000 đồng/kg…

Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, chắc chắn sẽ có nhiều mánh khóe kinh doanh xuất hiện như đưa thịt không an toàn, gian lận nguồn gốc hàng hóa...

Vì vậy, Cục Quản lý giá đã kiến nghị lực lượng thị trường phối hợp với Công an, các lực lượng chức năng tại các địa phương quản lý chặt nguồn cung ra thị trường, để người dân không phải tiêu dùng thịt kém chất lượng; xử lý nghiêm nếu phát hiện những trường hợp vi phạm.

“Ghìm cương” giá cả cuối năm

Ngoài thịt lợn, đối với các mặt hàng tiêu dùng khác, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, gần như đã thành quy luật, cuối năm thị trường thường diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán tăng cao, tập trung vào thực phẩm, tiêu dùng, dệt may, giày dép, dịch vụ vận tải…

Giá thịt lợn đã có dấu hiệu hạ nhiệt những ngày gần đây

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các địa phương, tỉnh, thành phố rà soát đánh giá lại cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, từ đó điều hòa cung cầu.

“Thách thức nhất vẫn là sự thiếu hụt cục bộ một số mặt hàng thiết yếu nào đó, nên cần phải có sự đánh giá thật chi tiết, chuẩn xác để có biện pháp điều hành thích hợp” – lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những áp lực, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cũng có nhiều thuận lợi. Vì hiện nay, các bộ, ngành theo dõi sát sao, tích cực về giá cả để điều tiết. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế tốt, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tăng cao theo năng lực sản xuất, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại của Chính phủ đã giúp người dân có thêm cơ hội mua các sản phẩm giá rẻ.

Bên cạnh đó là việc điều hành chính sách tiền tệ ổn định, nhiều biện pháp vĩ mô kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra... 

Đặc biệt, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với tư cách Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá đã giúp cho mặt bằng giá cả cũng bớt áp lực.

Với riêng Bộ Tài chính, mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có Chỉ thị số 03 yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát. 

Riêng với thịt lợn, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá và có những kiến nghị gửi các ngành như Nông nghiệp, Công Thương để có đánh giá lượng cung cầu dài hạn, ngắn hạn, có số liệu tính toán cụ thể để cân đối lượng thịt lợn nhập về đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bộ Tài chính và các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tình trạng đầu cơ khan hàng, lợi dụng khan hiếm để tăng giá, đẩy giá; kiểm soát biên giới để tranh xuất lậu, qua biên giới. Đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm được tình hình dịch bệnh, tránh gây hoang mang trong  dư luận xã hội.