Quản lý chặt, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố lãi vay

ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố chi phí lãi vay của năm 2017, 2018, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm, ban hành trong ngày 20/4.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Bộ Tài chính về việc việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017, quy định trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố chi phí lãi vay của năm 2017, 2018, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký để ban hành Nghị định ngay trong ngày 20/4 (tức ngày mai).

Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của Nghị định.

Hiện nay, Khoản 3, Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần thì chi phi này được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp .

Nghĩa là khi chi phí lãi vay vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp khi tính thuế. Nội dung này đang khiến nhiều doanh nghiệp phản ứng vì ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, khiến nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là doanh nghiệp các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán… lao đao.

Thủ tướng yêu cầu ban hành Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 ngay trong ngày 20/4

Gần đây, Bộ Tài chính ban hành dự thảo sửa đổi Nghị định 20, nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2019 nhưng không đề cập đến nội dung hồi tố chi phí lãi vay của năm 2017 và 2018, với tổng số thuế TNDN mà các doanh nghiệp đã phải nộp do quy định này lên tới 4.875 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, với số tiền trên, hiện ngân sách chưa có nguồn để thanh toán.  

Với đề xuất hoàn trả doanh nghiệp bằng cách khấu trừ vào tiền thuế nộp năm tiếp theo, Bộ Tài chính cho rằng chiếu theo quy định tại Luật Quản lý thuế, số thuế nộp thừa là số thuế cơ quan Thuế ấn định thừa hoặc số thuế doanh nghiệp bị tính thừa chứ không phải số thuế tăng do thay đổi chính sách, vì vậy không vận dụng được quy định hoàn thừa trong trường hợp này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng việc hồi tố sẽ dẫn đến thủ tục phải hoàn thuế cho hàng nghìn doanh nghiệp, nếu không xác định được số thuế phải nộp, số thuế phải hoàn qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sẽ dẫn đến tiêu cực.

Vì vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không cho hồi tố.